Dẫu không thể ngồi chính toạ. Dẫu đầu gối đau nhức. Bạn vẫn có thể ngồi thiền Một ngày của bạn sẽ tươi mới hơn nữa bằng 10 phút ngồi thiền mỗi sáng. Tâm yên bình chính là phép màu khiến cuộc sống trở nên thoải mái. Và tọa thiền là cách thực hành hiệu quả nhất giúp bạn đạt đến tâm an yên.
Hà cớ gì mà những con người hiện đại lại có thiên hướng quan tâm tọa thiền đến vậy? Nguyên nhân phải chăng nằm ở “trạng thái tồn tại” của thời đại này – thời đại chúng ta đang sống – thời đại mà con người ngập ngụa trong tất thảy các loại thông tin, xã hội không ngừng biến đổi với tốc độ nhanh chóng mặt? Giữa trạng thái bộn bề đó, con người đang đánh mất sự an yên trong tâm, không thể điềm tĩnh, thư giãn. Công việc vất vả, quan hệ đồng nghiệp tồi tệ… Có lẽ rằng, những cảm giác các bạn đang phải đối mặt hằng ngày bắt nguồn từ xao động nơi tâm hồn, giả như đánh mất cái tôi bình yên, không thể an yên như ước nguyện.
Đúng thực rằng, tọa thiền sẽ giúp tâm không xao động và linh hoạt. Số đông thiền tăng nguyện cầu đạt đến cảnh giới đó của tâm và tọa thiền được đặt ở trung tâm trên bước đường tu hành đạt đến cảnh giới ấy. Những sự việc mang tính lịch sử nhân loại là minh chứng cho nhận định này.
Ngồi tĩnh tâm trong yên lặng, nhìn thấu nội tâm của bản thân chính là tọa thiền. Vì thế, trong lúc ngồi thiền, ta có thể cách xa khỏi vô vàn thông tin quấy nhiễu tâm mình, buông lơi khỏi đổi thay của nhân gian khiến tâm tư bất ổn. Tâm sẽ dần an yên, tĩnh lặng. Chỉ có điều, quả thực “khá khó để bắt đầu” tọa thiền. Do vậy, ở cuốn sách này, tôi muốn đề xướng việc “tọa thiền trên ghế”, tức là thiền khi đang ngồi trên ghế. Bằng cách đưa việc tọa thiền trên ghế chỉ trong 10 phút vào sinh hoạt hằng ngày, chắc chắn tâm sẽ đổi thay. Chúng ta có thể tiếp nhận nỗi khổ sở và đắng cay trong công việc, quan hệ với đồng nghiệp, hơn nữa, không đánh mất sự bình lặng và an yên ở tâm mình.
Trích đoạn sách
Tọa thiền trên ghế là gì?
Từ trước khi Phật giáo được sáng lập vào khoảng thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, “tọa thiền” đã là phương pháp tu hành ở Ấn Độ. Việc tu tập thực hành của đạo Bà la môn hay Yoga cũng có tư thế giống với tọa thiền, với phương pháp theo dõi hơi thở tương tự, được truyền lại tới ngày nay. Ở Trung Hoa cũng có “Tiên đạo”, phương pháp tu hành để thành tiên, trong đó cũng thực hiện tọa thiền. Tiên đạo quan niệm nếu tọa thiền trong hang động sẽ được trường thọ.
Việc tọa thiền được áp dụng trong nhiều lĩnh vực có lẽ là vì những hiệu quả phổ quát mà hoạt động này mang lại: Đó là dành tặng quả ngọt cho cả cơ thể và tâm trí người thực hành. Những “người thực hành” nhận ra điều đó trong quá trình tọa thiền của mình rồi truyền lại cho con cháu thế hệ sau, cũng nhờ thế mà qua cả ngàn năm lịch sử, tọa thiền vẫn bất diệt, vẫn được truyền thừa đến tận ngày hôm nay. Ba yếu tố quan trọng trong Thiền là tư thế, theo dõi hơi thở và tâm. Trong Thiền có khái niệm: “điều thân”, “điều tức”, “điều tâm”. Ý nghĩa của những khái niệm này là: điều chỉnh tư thế, điều chỉnh hơi thở, điều chỉnh tâm. Cả ba quá trình này hợp thành một thể và có mối liên quan mật thiết với nhau.
Nói ngắn gọn lại, nếu cả tư thế và hơi thở được điều chỉnh, tâm cũng được điều chỉnh. Ba hành động này nằm trong mối tương quan như thế. Chúng ta đều biết, tọa thiền được đặt ở vị trí trung tâm trong tu hành Thiền đạo. Tại sao lại như vậy? Đó là vì, mục đích mà Thiền là hướng đến việc tâm không bị bó buộc bởi bất cứ điều gì, một tâm an yên và bình lặng.
Chỉ có điều, tâm vốn không thể nhìn thấy bằng mắt, vì thế rất khó để đổi thay tâm. Mặt khác, chỉ cần tự ý thức thì ai cũng có thể điều chỉnh tư thế, rồi gắn kết với điều hòa hơi thở, xa hơn nữa là an định tâm. Nói ngắn gọn lại thì nhập môn tọa thiền bắt đầu từ công đoạn điều chỉnh tư thế, điều mà ai cũng có thể cố gắng làm được. Đây cũng là phương pháp thực tiễn tối ưu nhất để an định tâm; nói cách khác là để đạt được tâm an yên, không bị chi phối bởi chung quanh.