Cuốn sách Nam Việt thần kỳ hội lục là một công trình dịch thuật – khảo cứu công phu, cẩn trọng và có tính hệ thống chặt chẽ về các nhân danh được phong thần tại các địa điểm thờ tự ở miền Bắc Việt Nam thời Lê – Nguyễn. Nội dung sách chia thành ba phần chính
Phần một: Khảo cứu về văn bản Nam Việt thần kỳ hội lục, cho người đọc một cái nhìn tổng quát về lai lịch, tính chất, vai trò của văn bản này, cũng như vị trí của tín ngưỡng dân gian trong dòng chảy chung của văn hoá Việt Nam thời trung đại.
Phần hai: Bản dịch và khảo cứu địa danh, nhân danh xuất hiện trong văn bản.
Phần ba: Phụ lục văn bản chữ Hán của Nam Việt thần kỳ hội lục.
Giá trị của cuốn sách này có thể thấy qua một số điểm nổi bật sau:
- Các địa danh, nhân danh được ghi chép khá chi tiết đến đơn vị hành chính cấp thôn, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người đọc liên quan tới các ngành như văn hoá dân gian làng xã, văn hoá học, sử học… của Việt Nam thời Lê – Nguyễn.
- Số lượng các thần hiệu và địa điểm thờ tự rất đồ sộ, theo con số ghi ở đầu sách lên tới vài nghìn vị thần, còn trên thực tế thì sách chép được hơn 1.000 vị và vài nghìn địa danh, giúp người đọc phần nào hình dung ra bối cảnh chung của tín ngưỡng dân gian người Việt.
- Quá trình dịch chú, khảo cứu của hai tác giả hé lộ về nguồn gốc thú vị của văn bản Nam Việt thần kỳ hội lục liên quan tới một số uẩn khúc lịch sử đã được ghi chép trong một vài văn bản khác, cho ta cái nhìn đa diện về lịch sử Việt Nam.
- Cuốn sách có phần Index gồm các nhân danh, thần hiệu, địa danh (lấy đến đơn vị hành chính cấp xã), thuận tiện cho người đọc trong việc tra cứu thông tin qua Index.
Đây không chỉ là một văn bản ghi chép các địa danh, nhân danh bình thường, mà có thể coi là một công cụ tra cứu khá hữu ích về các cơ sở thờ tự tại miền Bắc Việt Nam, cho ta góc nhìn khá rõ về tình hình tín ngưỡng của người Việt giai đoạn thế kỉ XVIII – XIX từ góc nhìn của chủ thể văn hoá.