Vùng đất miền Trung, nhất là xứ Quảng được chúa tiên Nguyễn Hoàng khẳng định: “đây là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”, là “phên giậu” ở chốn đầu sóng ngọn gió. Do vậy, trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển có những giá trị đặc trưng đã được các nhà nghiên cứu tìm hiểu, thể hiện trong tập sách này. Có các bài nghiên cứu là sản phẩm tinh túy nhất của một đề tài khoa học; có các bài nghiên cứu dựa trên nhiều nguồn tài liệu mới tại các trung tâm lưu trữ và hệ thống thư viện trong nước và ngoài nước; có các bài viết thể hiện rõ sự giao thoa văn hóa Chăm - Việt, sự cộng hưởng về dân cư, thể hiện rõ vai trò vị trí địa kinh tế, chính trị của thành phố Đà Nẵng nói riêng, của xứ Quảng và miền Trung nói chung. Tập sách này cho thấy các bài nghiên cứu được thực hiện với phương pháp nghiên cứu khoa học liên ngành, định lượng, khu vực học… của sử học, văn hóa học, dân tộc học, khảo cổ học…
Bạn đọc sẽ gặp ở đây những bài nghiên cứu được thẩm định qua thời gian; trong đó, sự thẩm định không chỉ ở việc các bài viết được công bố trên tập san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, hay ở một số tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, mà còn bởi kết quả nghiên cứu của nó đã được thừa nhận và ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống ở nhiều góc độ khác nhau. Thời gian qua, Nhà xuất bản Đà Nẵng rất chú trọng đến các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hoá xứ Quảng nói riêng và miền Trung nói chung, đó không chỉ là trách nhiệm của một đơn vị xuất bản của thành phố Đà Nẵng, mà đó còn là mong muốn có thêm nhiều món ăn tinh thần thực sự giá trị đến với bạn đọc. Và tập sách Miền Trung - những vấn đề lịch sử không nằm ngoài mong muốn ấy