“Quan niệm về cuộc nhân sinh" là một cuốn sách tổng hợp những bài phỏng vấn cũng như diễn thuyết của tác giả Trần Trọng Kim. Tựa đề của cuốn sách được lấy tên từ chính bài diễn thuyết của cụ tại Hội Trí Tri Nam Định năm 1936. Là một tác gia, một chính khách bất đắc dĩ, một nhà sử học, một nhà dân tộc học nhưng dường như, hành trang của cụ được quá ít người nhắc đến. Cuốn sách đã cho ta thấy được toàn cảnh cuộc đời cũng như những dấu ấn tiêu biểu nhất cho sự nghiệp của cụ trước khi đất nước xảy ra những biến cố long trời lở đất vào năm 1945.
Trích đoạn:
Muốn tiến hóa một cách chắc chắn, không phải chỉ cần học lấy những cái mới của người mà còn cần phải biết rõ những cái hay của mình. Biết để mà giữ lấy, thiết tha mà giữ lấy, dù là trong cảnh ngộ nào. Những cái hay ấy tức là cái gốc của ta, cái tinh thần của ta; không có cái gốc ấy, dân tộc mình đã là một dân tộc vong bản. Lắm lúc tôi nhìn thấy những điều trước mắt mà lo. Ở xã hội ta ngày nay có một hạng người nghe nói đến nước mình thì ngây ngây như người ngoại quốc, sử nước mình không biết, tiếng nói nước mình thì chỉ biết qua loa, đủ dùng trong sự giao thiệp hàng ngày. Nếu sự đời cứ theo cái chiều ấy và cái đà ấy mà thay đổi thì không hiểu dân tộc mình sẽ ra sao…
“Tôi tưởng người Việt Nam ta ngày nay, nếu còn có cái gì, thì chỉ kể được cái hương hỏa về tinh thần của tổ tiên ta để lại. Cái hương hỏa ấy tức là cái gốc của ta. Bổn phận của ta là phải vun đắp thế nào để giữ cái gốc ấy mãi mãi. Được như vậy thì dù có ở vào cảnh ngộ nào, ta cũng không lo một ngày kia ta không có một tương lai.” Cuốn sách đã cho ta thấy được toàn cảnh cuộc đời cũng như những dấu ấn tiêu biểu nhất cho sự nghiệp của cụ trước khi đất nước xảy ra những biến cố long trời lở đất vào năm 1945.