Các vị luận sư Abhidharmika nhận định rằng chính đức Phật thuyết Abhidharma, nhưng không lập thành một hệ thống đặc biệt, mà thuyết tản mạn trong nhiều thời điểm và địa phương khác nhau. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, các đệ tử tập họp những giáo nghĩa được tản mạn này lập thành hệ thống. Những giáo nghĩa liên hệ đến nghiệp được tập thành trong một bộ phận gọi là “nghiệp uẩn” (karma-skandha); những giáo nghĩa liên hệ các quan năng được tập thành trong một bộ phận gọi là “căn uẩn” (indriya-skandha), v.v. Mục đích tập thành hệ thống này là khiến người học dễ nhận thức những lời dạy của Phật khả dĩ sâu sắc hơn, khả dĩ thực hành để dẫn đến an lạc cứu cánh. Abhidharma cũng y trên các nguyên lý giáo nghĩa mà nghiên cứu bản chất, tự thể, yếu tính của tồn tại, của mọi hiện tượng, để làm rõ chân lý vô ngã; thực chứng chân lý vô ngã là đạt đến an lạc cứu cánh. Nói cách khác, Abhidharma là một hệ thống hoàn chỉnh tập hợp các nguyên lý cơ bản của nhận thức để khảo sát các hiện tượng tâm lý cùng những hoạt động của chúng, nhằm phán đoán những gì là nhận thức đúng và sai, để từ đó dẫn đến hành động thích ứng với kết quả mong muốn là an lạc.
Trích, GIẢN GIỚI - Tâm Lý Học ABHIDHARMA (TUỆ SỸ)