Hương Ước Hà Nội Một Di Sản Văn Hoá Cần Được Bảo Lưu
Cho đến cuối những năm 50 của thế kỷ XX, vào đúng thời điểm cải tạo và khôi phục kinh tế (1958 - 1960) ở miền Bắc, Hà Nội vẫn giữ lại gần như nguyên vẹn lối sống theo văn hóa truyền thống làng xã, có cải biên nếp suy nghĩ trong buôn bán, trao đổi, quan hệ nội trị ngoại bang theo cơ cấu tổ chức nhà nước của phương tây. Tuy nhiên, trải qua 80 năm chống Pháp và 30 năm chống Mỹ, dường như sự du nhập lối sống văn hóa và cách làm ăn công nghiệp vào Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng diễn ra còn ở mức cầm chừng xem xét. Sau khi thống nhất đất nước (1975), tình hình thế giới có nhiều biến đổi phức tạp. Việt Nam không thể nằm ngoài sự tác động thời đại. Thế nhưng cũng phải hơn 10 năm sau, Đảng cộng sản Việt Nam mới có quyết sách đổi mới tư duy kinh tế, từng bước đổi mới toàn diện cơ chế thị trường, nhanh chóng nắm bắt những thành tựu công nghệ mới nhất của thời đại tin học, quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo đói, tiến tới xây dựng một Việt Nam mới Có nền nông công nghiệp hiện đại, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Rất may mắn và cũng là kết quả tất yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam, mọi di sản văn hóa truyền thống dân tộc đều được gìn giữ và phát huy những yếu tố tích cực. Những di sản văn hóa vật chất bị thời gian hủy hoại thì được trích góp công của tu bổ lại, những giá trị tinh thần được sưu tập chỉnh lý và ấn hành rộng rãi để trả lại cho đông đảo quần chúng nhân dân. Chính việc làm cấp thiết này đã đáp ứng nhu cầu đòi hỏi hằng xuyên của mọi người từ công, nông, trí ...