Bản Ngàn cánh hạc tiếng Việt lần này bổ sung hai chương tác giả chỉ mới in trên tạp chí, chưa bao giờ xuất bản thành sách.
Là hậu duệ một gia tộc trà đạo, thay vì duy trì truyền thống, Kikuji lại tìm cách trốn tránh nó, coi nhẹ nó, thậm chí bán luôn cả trà thất của gia đình để đoạn tuyệt nó.
Sau một lần vô tình ghé thăm buổi thưởng trà ở nhà tình nhân của cha, anh đã sa chân vào những mối quan hệ trầm luân, dằn vặt và bất hạnh.
Trà đạo, bằng cách đó, dai dẳng níu chặt lấy anh. Từ những cái chén có lịch sử vài trăm năm đã in dấu nhiều khuôn miệng cố nhân, cho đến những con người sống trong hiện tại vẫn ấp ủ hoài duyên nợ cũ… Tất cả tìm đến quanh Kikuji, len vào cào cấu tâm can, thậm chí khuấy động cả quãng đời hạnh phúc sau này của anh.
Thưởng trà là thưởng thức nghệ thuật tâm tưởng, nhưng Ngàn cánh hạc lại thưởng trà bằng cách nhấn mạnh sự mong manh của đời người đặt bên chiều dài những đạo cụ pha, rồi lại nếm náp chính cái suy vi tan vỡ của những đạo cụ ấy.
Nói khác đi là, dùng sự vô thường của trà để mà thưởng trà.
Sau Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc lại là một tác phẩm nữa giúp người đọc đi vào thế giới ngôn ngữ hình ảnh đa cảm của Kawabata Yasunari.
Thông tin tác giả
Sinh ngày 14.6.1899, là tiểu thuyết gia người Nhật Bản đầu tiên và là người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn chương. Những sáng tác văn chương, những tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata Yasunari, qua thời gian vẫn luôn đem lại hấp lực mạnh mẽ đối với nhiều nhà phương Đông học trên khắp các châu lục, có sức lôi cuốn rộng rãi độc giả trên thế giới, phản ảnh nhiều phương diện của văn hóa cũng như những rung cảm đầy đam mê mà tinh tế của tâm hồn Nhật Bản.
Bên cạnh viết văn, Kawabata còn làm phóng viên cho một số tờ báo. Mặc dù đã từ chối tham gia vào sự hăng hái quân phiệt trong Thế chiến II, ông cũng thờ ơ với những cải cách chính trị của Nhật Bản sau chiến tranh, nhưng rõ ràng chiến tranh có ảnh hưởng lớn lao đối với ông (cùng với cái chết của cả gia đình khi ông còn trẻ). Sau đó, ông nói rằng kể từ đó ông chỉ còn khả năng viết những tác phẩm bi ca mà thôi.
Năm 1972, Kawabata tự tử bằng khí đốt. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra: sức khoẻ kém, cuộc tình bị cấm đoán, sốc do vụ tự tử của người bạn văn năm 1970. Kawabata không để lại thư tuyệt mệnh, các tác phẩm của ông cũng không có manh mối gì, nên đến nay không ai biết được nguyên nhân thật sự của cái chết đó.
Trong diễn văn của Viện Hàn lâm Thụy Điển khi trao giải Nobel Văn chương cho ông vào năm 1968, đã tôn vinh Kawabata: “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người.”
Tác phẩm tiêu biểu
- Lễ chiêu hồn (1921)
- Vũ nữ Izu (1926)
- Xứ tuyết (1947)
- Ngàn cánh hạc (1952),...