Cho đến nay người ta biết nhiều đến Nguyễn Một qua hai tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” và “Ngược mặt trời”, nhưng với hơn 30 năm văn nghiệp, Nguyễn Một đã viết nhiều thể loại nhưng trong đó truyện ngắn là thế mạnh đáng kể của anh. Tập “Truyện ngắn Nguyễn Một” mới in của anh được tuyển chọn từ khá nhiều truyện ngắn viết trong nhiều năm, người đọc bắt gặp một cái “Tôi” và “cổ tích”. Tuy nhiên những gì hiện ra trên mặt chữ chỉ là phần lộ ra của một mệnh đề bí mật.
Tôi và...
Đó là một cái Tôi bằng nghĩa đen, làm người dẫn chuyện (trong truyện Lửa bên sông), là nhân vật phụ (Thị trấn thiếu dòng sông), hay một thân phận con người tủi nhục đi tìm hạnh phúc (Miền Đông) Nhân vật Tôi xuất hiện khi xa, khi gần trong nhiều truyện ngắn, đủ để làm nên một phong cách viết văn hiện thực và hiện đại. Bởi sự hóa thân của những nhân vật Tôi trong truyện ngắn của Nguyễn Một thực ra chỉ là một với những Anh, Gã, Hắn - những con người “không tên” nhưng nét đời rất thật.
Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Một là những con người từng trải. Đói rét, chiến tranh, mồ côi, thất tì đủ cả. Xét về nội dung, thì nhiều truyện ngắn của anh khá hấp dẫn, lâm ly, có thể lấy nước mắt của người đọc. Những con người ấy bị cuốn theo dòng chảy của cuộc đời, trở nên lầm lì, chai sạn. Nhưng sâu xa bên trong từng số phận, vẫn là sự nhận biết rõ ràng cái Thiện - cái Ác, tiếc nuối, ân hận, mơ ước, nhớ nhung. Những cái tên phiếm chỉ là những vỏ bọc cho những thân phận ngang trái trước xã hội loài người
Đọc Tiếng chim sẻ trong thánh đường; Như là cổ tích, người đọc sẽ gặp những “thiên sứ” hiện diện giữa đời sống trần tục tuy ngắn ngủi, nhưng hồn nhiên và đáng yêu. Họ có vẻ xa rời thực tế, thậm chí cách ly hẳn với đời sống đầy những trái ngang, ô trọc. Đây lại là những nét đời đang chạm đến những câu chuyện cổ tích mới lạ, tưởng không thể có thật.
Chung quy lại, cái Tôi ấy đang tìm kiếm hay trốn chạy thực tại giữa một miền cổ tích nửa thực nửa hư?
...Cổ tích của dòng sông
Có lẽ đó là một truyện ngắn chưa viết của Nguyễn Một. Hình ảnh dòng sông như một cái bóng theo mãi trong những truyện ngắn của anh, trở thành một sự ám ảnh không thể nào quên. Có biết bao nhiêu dòng sông trên đất nước này? Bàn chân dầu dãi phong trần của anh đã vượt qua bao nhiêu bến bờ những dòng sông, và giờ đây đang ngụp lặn, vùng vẫy trên những con sông của miền Đông nắng lắm mưa nhiều.
Nhà văn Lê Minh Khuê nhận xét: “Có thể nắng gió và phong cảnh nên thơ của miền Đông cũng tạo cho người ta nhiều tưởng tượng và đôi khi cái hư cái thực hòa trộn trong cuộc sống chung quanh trong truyện ngắn Nguyễn Một”. Đối với Nguyễn Một, hình như những dòng sông chất chứa nhiều đau thương bất hạnh hơn là hạnh phúc. Sông xưa với những tiếng rì rầm không nguôi đã gợi nhớ về câu chuyện thần thoại bao đời, về tình yêu ngắn ngủi và cái chết của cha mẹ, những xung khắc của dòng họ.
Dòng sông như đã hóa giải quá khứ bi thảm thành ân tình sâu nặng, thay cho bao kiếp người. Dòng sông cũng là một ẩn dụ khi “Thị trấn thiếu dòng sông” lại xuất hiện một kẻ “không tên”, và khi dòng sông không có thực ấy được vẽ vào một bức tranh, được chảy vào tâm, nó đã trở thành một sự tự nhìn lại chính mình. Trước mặt là dòng sông; Miệt mài sông trôi cũng là những truyện ngắn mang sức nặng của quá khứ và hiện tại, mở ra một hướng nhìn, một con đường mới mẻ.
Con người và dòng sông, lúc như hòa nhập làm một, lúc lại tách rời nhau như để đong đếm lại cuộc đời mình. Và không chỉ có dòng sông, bên cạnh đó, Nguyễn Một nhắc nhiều đến tuổi thơ ở quê hương Quảng Nam và tuổi trưởng thành ở quê hương thứ hai là Đồng Nai nơi đã cưu mang đời Chỉ có điều, mỗi một kỷ niệm đều có bóng dáng của dòng sông, mặc dù hình ảnh con sông không rõ ràng, cụ thể. Mà làm sao có thể tìm thấy tính cụ thể giữa những lớp đời sống, tình cảm, tâm tình?
Vì vậy, người đọc có thể cảm nhận dòng sông như là một khái niệm được đưa vào phạm trù “Cổ tích” của nhà văn.