“Một vòng thời gian” là cuốn sách được tác giả Thiện Nhân ấp ủ từ từ khi còn ở độ tuổi đôi mươi. Tác phẩm là những câu chuyện độc đáo và phong phú được đúc kết bằng những trải nghiệm thực tế trên đường đời và trải nghiệm tâm linh sâu sắc từ bên trong của tác giả.
Với “Một vòng thời gian”, người đọc sẽ nhận ra cuộc sống cứ thế tiếp diễn hằng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm rồi xa hơn nữa. Chúng ta và vạn vật xung quanh tồn tại cùng nhau, du hành trong vũ trụ bao la vô tận, cùng trải qua những chu kỳ lặp lại, xoay quanh những cung đường, như những vòng tròn vô hình vô định, nhưng lại chi phối mọi mặt trong đời sống, bằng các quy luật chuyển động tuần hoàn, dưới nhiều hình thức, năng lượng, vật chất, sự sống từ vĩ đại đến vi tế.
Những trầm tích lịch sử, những câu chuyện xa xưa như một vòng thời gian vĩ đại trôi nhanh. Ở đó con người không ngừng học hỏi, phát triển, lọc lõi, sân hận rồi lại bắt đầu học cách yêu thương lại từ đầu. Trên hành trình ấy, con người cũng dần nhận ra những giá trị, tiềm năng của bản thân và nhận về những bài học vô giá.
Song hành với những chiêm nghiệm sâu sắc về dòng thời gian và những bài học nhân sinh, tác giả cũng đề cập đến một khái niệm thực sâu sắc: niềm tin. Với tác giả Thiện Nhân, khi nhắc đến niềm tin hãy khoan viện dẫn những cảm nhận huyền bí từ những cõi giới cao siêu nào đó, mà hãy bắt đầu từ lý tính thực tại đơn giản nhất của chính mình. Hãy chọn lựa những gì dễ hiểu và gần gũi nhất. Đó có thể là một khoảnh khắc bất thần khi nhớ về tuổi thơ với những trận ẩu đả hay khi nhìn những đứa con chơi đùa.
Hãy chọn tin rằng có một bàn tay kiến tạo ngoài kia cho ngôi nhà của tất cả chúng ta. Nếu chọn điều ngược lại thì có lẽ chúng ta đang khước từ đi tất cả những gì mình đang có. Hãy nhớ rằng mọi sự phức tạp và kiến tạo luôn bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, đó là niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất của chúng ta.
MỤC LỤC:
Phần 1: Chuyện khu vườn
Phần 2: Sự thật về đạo hồng thủy và huyền thoại Atlantic, nền văn minh bị mất tích
Phần 3: Hy Lạp ái kỷ và trừng phạt
Phần 4: La Mã, khát vọng chinh phục và tan rã
Phần 5: Ai Cập, tham vọng và bóng tối
Phần 6: Lưỡng Hà – xung đột vật chất và ý thức
Phần 7: Con người, những điều vĩ đại cần phải học
Phần 8: Các chu kỳ văn mình và tam thế độ
Phần 9: Đảo thế quy nguyên
Phần 10: Tân luận tam giới
Phần kết
Phụ lục hình ảnh
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
Nếu tình yêu thương là một quá trình bảy bước mà chúng ta phải thực hiện trong bảy ngày liên tiếp thì điều đúng đắn nhất để thực hiện điều đó có lẽ như sau:
- Chủ nhật: Hãy bắt đầu bằng lòng biết ơn với Đấng tạo hoá.
- Thứ Hai: Hãy yêu thương cha mẹ và anh em.
- Thứ Ba: Hãy dành sự yêu thương và thời gian chăm sóc nhau cho người bạn đời.
- Thứ Tư: Hãy gặp gỡ thêm bạn bè nhằm học hỏi và chia sẻ những điều hay, cho họ biết rằng mình yêu mến và tôn trọng họ.
- Thứ Năm: Hãy phát triển yêu thương rộng khắp, bằng việc chia sẻ với những ai kém may mắn hơn và giúp đỡ họ khi còn có thể. Hãy chung tay kêu gọi chấm dứt bất công, chiến tranh và đói khổ.
- Thứ Sáu: Hãy thực hành chay tịnh và giúp cho một loài vật nào đó có thể thoát khỏi cảnh nguy hiểm và có cơ hội sinh sôi duy trì nòi giống.
- Thứ Bảy: Hãy giữ mình thanh sạch, sống thật trọn vẹn, sống hoà mình với thiên nhiên để chiêm nghiệm, cảm nhận và lắng nghe từ nó.
Tại sao chúng ta phải cần đến yêu thương?
Câu trả lời rất đơn giản, là bởi khi chúng ta không biết yêu thương bản thân thì chính mình sẽ bại hoại và tự diệt.
Khi chúng ta không thương cha mẹ, anh em máu mủ thì sẽ không dễ dàng hòa nhập và sống tốt với mọi người trong xã hội.
Khi chúng ta không biết yêu thương người phối ngẫu là vợ, chồng mà do chính chúng ta đã chọn lựa, thì phải sống trong cô độc vì ái kỷ.
Khi chúng ta không biết yêu thương đồng bào dân tộc, thì ai sẽ cùng đoàn kết lại, kề vai sát cánh trong nguy khó mà bảo vệ chúng ta? Nhìn lại suốt quá trình lịch sử và đọc lại Kinh sách của các Tôn giáo, ta thấy rất rõ là mỗi khi con người thiếu đi lòng yêu thương thì lại nhận được nhiều bài học thất bại, cay đắng và mất mát lớn lao. Vậy nhưng, dường như chúng ta vẫn chưa chịu nhận ra những bài học ấy.