“Và trên hết tôi sợ chính cái việc tôi sẽ hai mươi tuổi. Có lẽ khi đó cũng sẽ chẳng có gì xảy ra với tôi cả. Liệu tôi có thể lúc nào cũng mười chín tuổi như bây giờ được không?”
Giã từ thơ ngây viết về chuyện giới tính ở tuổi vị thành niên, trực diện nhưng không thô thiển, trái lại lành mạnh và tươi sáng, thoáng qua thì tưởng khiêu khích và thiếu trong sáng nhưng kỳ thực lại ngây thơ và thuần khiết hơn bao giờ hết. (Nhà văn Park Wan-suh, tác giả Ai đã ăn hết những cây singa ngày ấy)
Giữa lòng Hàn Quốc những năm 80 phát triển thần tốc vừa hà khắc lại vừa lơi lỏng với giới trẻ, chênh vênh đứng một cậu trai mười chín tuổi đang háo hức giã biệt tuổi ấu thơ nhưng chưa dám bước hẳn chân qua ngưỡng cửa trưởng thành. Ngày ngày bị giằng xé giữa những khát khao bản năng sớm thức giấc và những khát vọng lý tưởng còn đang ngủ vùi, tâm tư cậu rối bời nhưng sâu trong cõi lòng cậu lại vô cùng trống rỗng.
Giã từ thơ ngây là hành trình Jun Ho vùng quẫy tìm cách lấp đầy những trống rỗng chớm thanh xuân ấy – cả về thể chất lẫn tinh thần, là lời giã từ chân thành nhất một thời thơ ngây không thể níu kéo đồng thời cũng là một nghi lễ thông qua để tiến tới tuổi trẻ đang trải dài trước mặt.