Màu đậm hay nhạt, trong suốt hay mờ đục, kết cấu đặc hay loãng - có lẽ rượu vang đã không phải chịu sự soi xét kỹ lưỡng đến thế nếu không phải vì sự ra đời của cốc thủy tinh vào thế kỷ 1 SCN. Khởi nguồn từ đây, người phương Tây đã bắt đầu “nghịch” thủy tinh. Vật liệu trong suốt, đa năng này đã mở ra kỷ nguyên mới, không chỉ trong kiến trúc, như cửa sổ kính màu đặc trưng của các nhà thờ, mà còn mang tới kính viễn vọng và kính hiển vi - cầu nối giữa con người với vũ trụ bao la và thế giới vi mô bí ẩn. Không có gương kính và thủy tinh thì cũng sẽ không có bóng đèn điện của Edison hay những phát minh trong ống nghiệm của các nhà hóa học.
Kỳ lạ thay, có lẽ vì không chung niềm đam mê rượu vang, người phương Đông đã hoàn toàn ngó lơ vật liệu này. Liệu có phải bởi thế mà các bước tiến khoa học của phương Đông đã đi chậm hơn tới cả nghìn năm? Tất cả là do một vật liệu trong vô vàn các vật liệu vô tình bị thất sủng? Thế giới vật chất liệu còn ẩn chứa những bí mật gì nữa? Hãy để tác giả Miodownik dẫn lối cho bạn đến với sự diệu kỳ và thú vị của chúng nhé.
"Đây là cuốn sách viết về những kỳ quan ẩn giấu, những tính chất tuyệt diệu của các vật chất mà ta cho là tẻ nhạt, tầm thường và chẳng đáng để tâm… Có thể ai đó đã nói về những điều này hay kể những câu chuyện tương tự, nhưng giống như người thợ làm sô-cô-la xuất sắc nhất, Miodownik đã tạo ra một công thức hoàn hảo." – The New York Times