Tác giả Minh Nguyễn tốt nghiệp Bác sĩ và nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Y học cổ truyền tại trường Đại học Y Hà Nội. Cô đã nhận được nhiều chứng chỉ đào tạo uy tín trong nước và trên thế giới như: Chứng chỉ nghiên cứu khoa học tại Bệnh viện Chợ Rẫy; Chứng chỉ điều trị bệnh nhân có bệnh lí viêm loét bàn chân do bệnh lí Đái tháo đường tại Bệnh viện Bạch Mai; Chứng chỉ đọc điện tâm đồ của Viện Tim Mạch Hà Nội; Chứng chỉ đào tạo liên tục của Trường Y khoa Harvard (Hoa Kỳ) trong lĩnh vực “Bệnh viêm khớp do lắng đọng tinh thể: Bệnh Gút và bệnh lắng đọng tinh thể canxi pyrophosphat”. Cô còn là diễn giả thường xuyên của các hội nghị Quân y Châu Á Thái Bình Dương, hội nghị lãnh đạo Quân y các nước Đông Nam Á với những đề tài về điều trị vết thương phần mềm, dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue… Hiện nay, cô sở hữu thương hiệu TÂM AN với những bài thuốc cổ phương có tác dụng điều trị các bệnh lí viêm ở người lớn và trẻ em. Từng có nhiều năm điều trị lâm sàng cho bệnh nhân Nhi, cô ưa thích sử dụng những vị thuốc cổ phương để hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân.
Mỗi câu chuyện trong cuốn sách này, đều là thật. Từ trải nghiệm sống, học tập và điều trị của tác giả trong thời gian đi thực tập ở bệnh viện, cho tới khi trở thành bác sĩ lâm sàng thực sự.
“Với tôi, kiến là một loài sinh vật cần mẫn, kiên cường và đáng yêu. Tôi cảm thấy, mỗi bệnh nhân nhi của mình, cũng như những cô/cậu kiến nhỏ bé, dù bị ốm, sốt, mệt mỏi, cũng không kêu ca phàn nàn, mà luôn nhẫn nại để hồi phục.
Việc được điều trị cho bệnh nhân nhi là điều vô cùng may mắn, ý nghĩa xảy đến với cuộc đời tôi. Tôi trân trọng niềm tin của bố mẹ bệnh nhân và của bệnh nhân, những người đã yêu thương, trân quý giá trị của mình. Mỗi câu chuyện tôi chia sẻ trong cuốn sách này, đều là thật. Từ trải nghiệm sống, học tập và điều trị của tôi trong thời gian đi thực tập ở bệnh viện, cho tới khi trở thành bác sĩ lâm sàng thực sự.
Từng chăm sóc bệnh nhân ở nhiều lứa tuổi, tôi thấy mình thực sự có niềm yêu thích với trẻ em. Mỗi sớm đi thăm phòng bệnh, các cháu luôn chào bác sĩ ríu rít, cởi mở, ngay cả là chỉ ít phút sau đã òa khóc nức nở, hoặc chạy nhào đi vì sợ bác sĩ khám bệnh, tiêm thuốc”.