Giao thông vận tải thời trung đại (cụ thể là từ thế kỷ X đến năm 1884) có vai trò rất to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong công trình nghiên cứu này, những nội dung quan trọng được nhóm tác giả đề cập đến là:
Khẳng định vai trò của mạng lưới giao thông vận tải đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia Đại Cồ Việt/ Đại Việt/ Đại Nam, Chămpa, cụ thể là tạo mối giao lưu giữa các vùng miền, phục vụ nhu cầu đi lại, giao lưu văn hóa, giao lưu kinh tế và mở rộng giao lưu quốc tế; quá trình phát triển các cảng thị - đô thị; xây dựng mạng lưới giao thông đường thủy, đường bộ với việc xác lập chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ biên giới hải đảo; sự phát triển của giao thông vận tải khuyến khích thúc đẩy sự phát triển của hàng loạt ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống, của thương nghiệp (mạng lưới giao thông nội địa nối liền các vùng miền, mạng lưới cảng biển, giao thông đường thủy phục vụ ngoại thương).
Từ thế kỷ X đến năm 1884, nhân dân Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm (Kháng chiến chống quân Nam Hán năm 938; hai lần kháng chiến chống Tống: năm 981 và năm 1076-1077; ba lần kháng chiến chống Nguyên - Mông: năm 1958, năm 1284 và năm 1288; Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mãn Thanh năm 1789 và cuộc kháng chiến chống Pháp từ 1-9-1858)... Đó là chưa kể đến các cuộc đấu tranh chống quân Chân Lạp và Xiêm (thế kỷ XVIII - XIX)... Trong những cuộc chiến tranh giữ nước ấy, bên cạnh việc huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến thì còn nhiều yếu tố khác góp phần làm nên chiến thắng, trong đó có vai trò của mạng lưới giao thông vận tải: chuyển quân, vận tải lương thực, vũ khí. Không có mạng lưới giao thông đường thủy thuận lợi ven sông ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh thì làm sao có được đại thắng Bạch Đằng năm 938, năm 981 và năm 1288. Nếu không có con đường thiên lý thường xuyên được các triều đại quân chủ Việt Nam mở mang, xây dựng thì làm sao có được cuộc chuyển quân thần tốc của vua Quang Trung nhanh chóng đánh tan 29 vạn quân Thanh năm 1789...
Từ thế kỷ X đến năm 1884 cũng là một thời kỳ lịch sử Việt Nam có những bước tiến dài trong quá trình xây dựng, phát triển hùng mạnh ở khu vực. Sự phát triển của nền kinh tế; sự phát triển và mở rộng giao lưu văn hóa văn minh của Đại Việt - Đại Nam qua các giai đoạn lịch sử đều có sự đóng góp tích cực của mạng lưới giao thông thủy bộ . Hệ thống giao thông đã giúp cho các vùng miền , các quốc gia xích lại gần nhau , giao lưu với nhau trên nhiều lĩnh vực . Thay mặt tập thể tác giả
Chủ biên NGUYỄN ĐỨC NHUỆ