Cùng với những công trình khảo cứu, dịch thuật về lịch sử - văn hóa như: An Nam chí nguyên, Bắc sứ thông lục, Vũ Trinh và Lan Trì kiến văn lục, Bách thần lục, Quế Đường thi tập, Như Tây kí, Hội chân biên là tài liệu quý tiếp theo thuộc Tủ sách Di sản Văn hóa Việt Nam được Nhà xuất bản Đại học Sư phạm giới thiệu với độc giả. Cuốn sách là một tập hợp có hệ thống nhất, có số lượng nhiều nhất, có độ bao quát nhất hiện còn về những nhân vật thần tiên ở Việt Nam thời trung đại. Dù có phần vắn tắt và chưa phải đã hoàn toàn bao quát, song cuốn sách vẫn có giá trị rất lớn đối với việc tìm hiểu bước đầu hay nghiên cứu chuyên sâu về tín ngưỡng thần tiên, Đạo giáo hay đạo Mẫở Việt Nam thời trung đại.
Giới nghiên cứu và các độc giả ít nhiều quan tâm tới lĩnh vực này từ lâu đã biết đến Hội chân biên. Không ít người đã đọc, dẫn dụng hay nghiên cứu (trực tiếp hoặc gián tiếp) tác phẩm này. Cuốn sách cũng đã được xuất bản dưới dạng nguyên văn chữ Hán, hoặc bản dịch, phóng dịch sang tiếng Pháp, hay trích dịch, phỏng dịch sang tiếng Việt từ hơn nửa thế kỉ trước. Thế nhưng, do nguyên nhân chủ quan hay khách quan nào đó, cho đến nay vẫn chưa có một bản dịch tiếng Việt đầy đủ nào của tác phẩm này được xuất bản.
Lần này, với quyết tâm và việc làm cụ thể, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm hân hạnh được giới thiệu tới đông đảo độc giả ấn phẩm bản dịch trọn vẹn kèm theo phần khảo cứu, phân tích chi tiết về văn bản cũng như nội dung của tác phẩm. Văn bản chữ Hán là một bản in quý, được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Bản dịch được thực hiện với sự khảo cứu công phu về văn bản và sự thận trọng tối đa của người dịch. Ngoài ra, người dịch cũng giới thiệu, phiên chú thêm một số văn bản Hán Nôn có liên quan làm Phụ lục cho tác phẩm. Với giá trị của Hội chân biên cùng với kết quả khảo cứu, nghiên cứu đi kèm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm hi vọng công trình sẽ là một ấn phẩm chất lượng, góp phần đáp ứng nhu cầu của đông đảo độc giả muốn tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam trong quá khứ.