Giáo dục và khoa cử Nho học triều Nguyễn được đánh giá là thịnh đạt và có nhiều thành tựu trong lịch sử giáo dục và khoa cử Nho học Việt Nam. Triều Nguyễn là một triều đại có nhiều biến động, tình hình đó phổ vào giáo dục và khoa cử mà văn bài khoa cử đại khoa là một dạng "sản phẩm” của nền giáo dục khoa cử đó. So với các triều đại trước, nó nằm trong chỉnh thế nhưng mang trong mình nhiều nét đặc thù, đa dạng mà các triều trước không có. Có thể nói, văn chương khoa cử triều Nguyễn "đa sắc màu" nhất trong lịch sử văn chương khoa cử Việt Nam. Nghiên cứu văn chương khoa cử thông qua hệ thống văn bài khoa cử đại khoa triều Nguyễn cũng là nghiên cứu trường hợp điển hình của văn chương khoa cử.
Do khoảng cách thời gian còn gần nên những tư liệu, đặc biệt là hệ thống văn bài thi Hội, thi Đinh của triều Nguyễn hiện còn lưu trữ là phong phú và đầy đủ hơn (cả về số khoa thi và văn thể trường thi) so với các triều đại trước đó, đủ để có thể triển khai những nghiên cứu mang tính toàn diện và hệ thống. Văn bản văn bài thi Hội, thi Đình triều Nguyễn bao gồm hai loại lớn là văn bản viết tay và văn bản khắc in, với các loại hình tuyển bản như tuyển tập theo lịch khoa, đơn khoa; hoặc theo từng văn thế; hoặc đan xen cùng các tư liệu khác, rất đa dạng, thậm chí tản mát, phức tạp.
Theo khảo sát sơ bộ, hiện đã xác nhận trữ lượng văn bản văn bài khoa cử đại khoa triều Nguyễn (bao gồm thi Hội, thi Đình) lên tới hàng trăm đơn vị văn bài (cụ thể, văn bài thi Hội còn 187 bài kinh nghĩa: 55 bài thơ, 65 bài phú; 43 bài chiếu, 3 bài chế, 44 bài hiểu, 59 bài luận, 12 bài tâu sớ; 215 bài văn sách, Văn bài thi Đình còn 85 bài văn sách Đình đối). Trong đó, những bản in Hội Đình văn tuyển cho từng khoa thi xuất hiện đầu tiên và có niên đại sớm nhất. Đây cũng là bộ phận văn bản tốt và có độ tin cậy cao nhất.