Những chuyện kể thỉnh kinh trước Ngô Thừa Ân
Tây du ký là một trong tứ đại danh tác của tiểu thuyết chương hồi thời Minh -Thanh ở Trung Quốc. Tây du ký dựa trên cảm hứng về cuộc hành trình có thực của nhà sư Huyền Trang cuối thời Tùy đầu thời Đường. Vào năm Trinh Quán thứ ba (629) thời Đường Thái Tông, Huyền Trang đã bắt đầu hành trình sang Ấn Độ cầu học các giáo nghĩa Phật giáo còn chưa biết, đồng thời thỉnh kinh và tượng mang về nước. Chuyến hành trình này đã để lại tiếng vang rất lớn trong dân gian thời kỳ đó.
Để hiểu rõ hơn quá trình hình thành và diễn hóa câu chuyện Tây du ký, Văn Sử Tinh Hoa quyết định tiến hành phiên dịch các tác phẩm tiền thân của Tây du ký, hợp thành tập “Tây du ký tiền truyện”. Mong rằng với việc cung cấp các dị bản khác của câu chuyện Tây du ký, độc giả sẽ hiểu thêm đôi chút về một tác phẩm lớn được yêu thích của cổ văn Trung Quốc. Đồng thời, thông qua việc khảo sát lịch sử chuyển hóa của một tác phẩm mang tính tiêu biểu, độc giả sẽ thu lượm được những kinh nghiệm bổ ích để tiến hành khảo sát các văn bản tương tự của Việt Nam.