Thế nào là Cổ vận?
Thưa, hiểu theo nghĩa hẹp, Cổ vận thường chỉ âm vận thời Tiên Tần – Hán, hoặc rộng hơn là âm vận văn tự từ Lục kinh cho đến văn hiến thời Hán Ngụy, đôi khi cũng phiếm chỉ âm vận thời thượng cổ, trung cổ nói chung chung. Từ đó mà suy ra, Cổ vận có thể hiểu là nói khái quát về cái phong thái và ý vị cổ điển của một người hoặc một tác phẩm nghệ thuật nào đó.
Thế nào là Tân phong?
Thưa, hai chữ Tân phong nói nôm na là cái không khí và phong cách mới mẻ, những xu hướng và thời thượng mới mẻ.
Thế thời trong tập này đâu là tân, đâu là cổ?
Thưa, lướt xem tuyển tập mười hai nhà, rằng thật là cổ thời chẳng phải thật là cổ; rằng thật là tân, thời lại càng chẳng phải thật là tân vậy.
Vậy rốt cuộc, Cổ vận tân phong phải hiểu thế nào mới đúng?
Kỳ thực, cái gọi là cổ trong tuyển tập Cổ vận tân phong này, chủ yếu nằm ở các thể cách thi ca cổ điển mà các nhà thơ đã quyết định dùng để làm phương tiện gửi gắm cảm xúc và ý tưởng của mình. Còn nữa, cổ trong Cổ vận tân phong còn nói về ngôn ngữ được lựa chọn để diễn đạt những cảm xúc và ý tưởng ấy – ngôn ngữ ấy tuy xem thoáng qua có thể nói chung chung là Hán văn, nhưng kỳ thực tính chất và giọng điệu của “Hán văn” ấy còn tùy vào phong cách đặc sắc của từng nhà văn nữa.
Cổ vận tân phong, tức là đưa vào tác phẩm những vấn đề của thời đại mới, hơi thở mới, bởi những con người mới, nhưng lại được viết lên theo các thể cách thi ca cổ. Nhìn về đương thời qua lăng kính hoài niệm xưa.
Thông tin bản Sách phỏng mộc bản cổ:
- Tên sách: Cổ vận tân phong - tuyển tập thi từ chữ Hán Việt Nam đương đại.
- Toàn bộ sách được viết bằng chữ Hán.
- Sách được trình bày theo lối sách cổ, in trên giấy xuyến, đóng thủ công hoàn toàn.
- Khổ sách: 18x28 cm
Trên bình diện chung tại Việt Nam ngày nay, các tạo tác văn hóa gắn với nền Hán học đều trở thành “đồ cổ”. Tuy nhiên, dễ nhận thấy khi đời sống khá giả lên, các nhu cầu tinh thần sẽ được quan tâm hơn. Việc nghiên cứu và phục cổ cũng không nằm ngoài quy luật này. Từ logic đó mà nói, các sáng tác mới trong lĩnh vực văn học Hán Nôm vẫn còn cơ sở và cơ hội để nảy sinh, dẫu rằng “môi trường sống” đã thu hẹp đáng kể. Lác đác thời nay xuất hiện các tập thơ văn chữ Hán của Tào Mạt, Trần Quang Đức, đánh dấu chặng đường sáng tác của cá nhân, chủ yếu để tặng đáp bạn bè, ngâm nga tự vui. Tuy nhiên, để độc giả Việt Nam và các nước đồng văn trước đây có thêm góc nhìn mới về một cộng đồng sáng tác văn học Hán Nôm ở Việt Nam thì cần những cuốn hợp tuyển, trích diễm có phạm vi thu thập rộng hơn. Đó là lý do dự án sách Cổ vận tân phong ra đời, tuyển chọn khoảng 160 sáng tác bằng chữ Hán ở các thể loại thơ, từ, phú, hát nói của 12 tác giả Việt Nam đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước.
Các tác giả có người làm chuyên ngành nghiên cứu Hán Nôm, văn học, có người làm họa sĩ, nhà thư pháp, dịch thuật, kỹ sư… nhưng có điểm chung là hướng các sáng tác tuân thủ nghiêm cẩn theo cách luật, phục dựng vận vị cổ kính của văn học cổ điển. Đồng thời, các tác giả đã tự phiên âm, chú thích, dịch nghĩa ngõ hầu bày tỏ rõ ràng với độc giả về nội dung tác phẩm của mình.
Cổ vận tân phong được xem như một hơi thở xưa cũ phảng qua thời đại mới, một làn gió thơ ca xen giữa dòng đời khô khan. Thơ xưa hay vì đẫm tựa một khí chất phong nhã và một ý chí tỏ tường. Xin được mạnh dạn bàn phẩm Cổ vận tân phong – Tuyển tập thi từ chữ Hán Việt Nam đương đại đây, chính là một tuyển tập những áng thơ ca thấm đẫm nét bút phong hoài cổ mặc, được sáng tác nên bởi những bậc thư họa kỳ tài, gắng chí dõi theo khí chất hiền quân muôn thuở.
Với một cuốn sách giá trị như vậy, Văn sử tinh hoa thực tâm mong muốn có thể gửi tới bạn đọc bằng một hình thức trọn vẹn nhất, đặc biệt là những độc giả yêu thích sưu tầm sách đẹp, sách hay. Bởi vậy, ngoài bản phổ thông bìa mềm, chúng tôi quyết định gửi tới bạn đọc phiên bản đẹp của cuốn sách:
Thông tin bản Sách đẹp:
- Tên sách: Cổ vận tân phong - tuyển tập thi từ chữ Hán Việt Nam đương đại
- Nhiều tác giả
- Có chữ ký của các tác giả; triện dấu Cổ vận tân phong.
- Triện dấu Việt Nam tinh hoa.
- Khổ sách: 16x24 cm
- Sách bìa cứng; đánh số bản từ 01 đến 200.
- Số trang 416 trang.