Thời Xuân Thu - Chiến Quốc, các học phái đua nhau nổi lên, học phái nào cũng bày tỏ chính kiến, tranh biện lẫn nhau, sử gọi là “bách gia tranh minh”. Đây là thời kì chứng kiến sự mở rộng to lớn về văn hóa và tri thức ở Trung Quốc; nó đã ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trong khu vực châu Á mà toàn thế giới cho đến ngày nay. Học phái tương đối có ảnh hưởng lúc bấy giờ có: Nho, Mặc, Đạo, Pháp, Âm dương... Những học phái này gắn liền với tên tuổi của những Khổng Tử, Mạnh Tử, Mặc Tử, Lão Tử, Hàn Phi Tử...
Trong lịch sử nhân loại, không một triết thuyết chính trị nào được một số dân đông nhất thế giới coi là quốc giáo liên tiếp trên hai ngàn năm như Khổng giáo. Công của Khổng Tử là lí luận để dựng chủ trương đó thành thuyết chính danh, thuyết đức trị, nhất là tạo ra được quan niệm “nhân” (nhân ái) trước ông chưa hề có, sửa đổi ý niệm “quân tử để cho đạo đức thành ra có giá trị ngang với huyết thống, với quyền tước, khiến cho hạng bình dân có tài đức thành một giai cấp quý tộc - quý tộc về đạo đức, rồi buộc bọn quý tộc thế tập cũng phải tự thân như mọi người dân thường, nếu muốn giữ địa vị của mình... Nhiều tư tưởng của ông thành những đề tài cho người đời sau, quảng diễn hoặc tranh luận, hoặc phát huy thêm.