Thời Xuân Thu - Chiến Quốc, các học phái đua nhau nổi lên, học phái nào cũng bày tỏ chính kiến, tranh biện lẫn nhau, sử gọi là “bách gia tranh minh” Đây là thời kì chứng kiến sự mở rộng to lớn về văn hóa và tri thức ở Trung Quốc; nó đã ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trong khu vực châu Á mà toàn thế giới cho đến ngày nay. Học phái tương đối có ảnh hưởng lúc bấy giờ có:Nho,Mặc, Đạo, Pháp, Âm dương... Những học phái này gắn liền với tên tuổi của những Khổng Tử, Mạnh Tử, Mặc Tử, Lão Tử, Hàn Phi Tử...
Ở Trung Hoa, cuốn Liệt Tử được tôn xưng là một cuốn kinh: Xung hư chân kinh (xung hư Có nghĩa là hư không). Cuốn này được đặt ngang hàng với Đạo Đức kinh, Nam Hoa kinh, Thi kinh... và Liệt Ngự Khấu (tức Liệt Tử) được đứng chung với các triết gia lớn nhất thời Xuân Thu Chiến Quốc như Khổng Khâu, Lão Đam, Trang Chu... Triết thuyết của ông chủ trương vô vi, hư tĩnh, hòa đồng với vạn vật, trong nhân sinh, bình dân, không quan tâm với những cái siêu hình óc người không hiểu nổi, có phần lạc quan chứ không bị quan, có phần tích cực chứ không tiêu cực. Nó gần đạo Lão, mà cách phô diễn lại gần Trang. Không chê Khổng Tử, nhưng có chỗ lại cơ hồ chịu ảnh hưởng của Mặc Tử. Có thể khẳng định, Liệt là gạch nối giữa Lão và Trang.
Còn Dương Chu (tức Dương Tử) với triết thuyết quý sinh, dưỡng sinh: mai danh, ở ẩn, không cho ai biết tới mình, cứ thỏa mãn thị hiếu tự nhiên, theo mệnh trời, chỉ có mục đích sống là tìm một hạnh phúc tự nhiên, giản dị.