“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” được xem là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn. Bộ sách được viết từ rất sớm, khi hoàng đế Gia Long vừa đăng quang, đang trong thời gian tổ chức và ổn định triều chính sau mấy thế kỷ nhân dân phải trải qua nạn binh đao, cát cứ. Mặt khác, diện mạo đất nước đương thời đã hoàn toàn đổi khác, biên cương được mở rộng phía Bắc từ Tuyên – Lạng, phía Nam đến Hà Tiên.
“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” vừa là một thư tịch chính thống nhằm khẳng định cương vực của quốc gia, vừa tỏ rõ ý thức độc lập, văn hiến của một dân tộc tự cường vào đầu thế kỷ XIX. Sự ra đời của Hoàng Việt nhất thống dư địa chí có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng triều đại của nhà Nguyễn. Lãnh thổ dài rộng từ Nam chí Bắc được chép trong đó là một biểu thị về sự hùng mạnh của Việt Nam vào đầu thế kỷ đó.
Mặt khác, kế thừa những công trình địa chí có từ trước, bộ sách này tiếp tục làm nổi bật hình ảnh một quốc gia có nền văn hiến lâu đời, một dân tộc bất khuất, hào hùng trong công cuộc giữ nước và dựng nước.
Ưu điểm nổi bật của Hoàng Việt nhất thống dư địa chí chính là việc mô tả một cách chính xác về đường đi, các dịch trạm, địa danh, sông núi, khe suối, ngòi rạch, về cửa biển, kèm theo lời tường giải rất cụ thể về mặt mạnh mặt yếu, chỗ hiểm chỗ thuận lợi của từng địa phương.