Biển đảo Việt Nam: Lịch sử - Chủ quyền - Kinh tế - Văn hóa tuyển chọn những bài nghiên cứu trên Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng (Viện Nghiên cứu Phát triển - Kinh tế Xã hội Đà Nẵng).
Cuốn sách gồm 4 phần: Lịch sử và Chủ quyền; Thủy quân và Hải thương; Văn hóa và Tín ngưỡng; Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, dựa vào nội dung được đề cập trong những bài viết được tuyển chọn.
Phần 1: Lịch sử và Chủ quyền đã nghiên cứu và làm rõ quá trình khai phá, chiếm hữu, xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển, đảo ở Biển Đông từ thế kỷ XVII đến nay qua các tư liệu thành văn và bản đồ cổ của Việt Nam, Trung Hoa, phương Tây;
Phần 2: Thủy quân và Hải thương gồm những bài nghiên cứu về sự phát triển của tàu thuyền và thủy quân từ thời các chúa Nguyễn đến thời nhà Nguyễn và vai trò của nó trong lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông; vai trò, vị trí của Việt Nam trong sự phát triển của hệ thống thương mại ở Biển Đông thời trung đại;
Phần 3: Văn hóa và tín ngưỡng nghiên cứu về những dấu ấn của văn hóa biển đảo Việt Nam, lịch sử giao lưu văn hóa biển đảo, các loại hình văn hóa – tín ngưỡng của cư dân vùng biển đảo, việc bảo vệ và phát huy các giá trị của văn hóa biển đảo Việt Nam trong quá trình phát triển;
Phần 4: Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam gồm những bài nghiên cứu về quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên các khía cạnh lịch sử, pháp lý và ngoại giao.
Đây là những bài nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn, góp phần chứng minh Việt Nam có một nền văn hóa biển đảo phong phú và lâu dài, có vai trò và vị trí quan trọng trong hệ thống thống giao lưu thương mại trên biển thời cổ - trung đại, đã sớm khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng các vùng biển, đảo ở Biển Đông, đã kiên trì đấu tranh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
"Bảo vệ biển đảo không chỉ là đấu tranh đòi lại những gì thuộc chủ quyền Việt Nam đã bị cưỡng chiếm, mà phải giữ gìn những gì mà biển đảo đã mang lại cho dân tộc Việt nam từ bao đời nay, trong đó, có cả những “trầm tích văn hóa” đã được tích tụ từ ngàn xưa, đang cần được khơi thông mạch nguồn để tiếp nối giữa quá khứ với tương lai của dân tộc Việt Nam." - TS. Trần Đức Anh Sơn