Như mọi năm, tôi luôn cố gắng ra sách mới vào dịp cuối năm. Đó là điều tự hứa để làm sao có được thành quả nho nhỏ sau một năm trời, vượt qua mọi khó khăn để thấy không phí hoài một quãng thời gian trong đời người hữu hạn. Cuốn sách sẽ là món quà xuân cho chính mình, để tặng một số người trong và ngoài gia đình nhân dịp Tết, để chia sẻ với độc giả những ai có quan tâm.
Giáp Tết này, tôi sẽ ra hai cuốn sách. Một cuốn đang được in. Đây là cuốn sách nhìn lại một giai đoạn viết lách của tôi, là cuốn viết lâu nhất, trong hơn hai năm trời. Cuốn này sẽ được giới thiệu trên facebook sau, có lẽ khoảng cuối tháng 1 này.
Cuốn sách được giới thiệu hôm nay là cuốn “Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa” tập II. Cuốn này, cùng cuốn “Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa” tập I ra đầu năm 2020 xem như trọn bộ hai cuốn, là tập hợp những bài viết mà tôi sưu tầm, tuyển chọn, cảm thấy đều là những bài viết thú vị, giàu cảm xúc hoặc lạ lùng nhất, dồi dào tư liệu nhất trong khoảng hơn 200 tờ báo Xuân từ khoảng thập niên 1940 đến 1975. Trong đó, có bài từ các tờ báo Hương Gió Việt xuân Mậu Tý 1948; Ánh Sáng, Điện Báo xuân Canh Dần 1950; Sài Gòn Mới, Thành Chung xuân Nhâm Thìn 1952; Mới, tiếng Chuông xuân Quý Tỵ 1953… đến các tờ báo khác như Chọn Lọc, Tin Sớm xuân Bính Ngọ 1966; Sống, Tiếng Nói Dân tộc xuân Kỷ Dậu 1969; Sóng Thần, Tuổi Ngọc xuân Quý Sửu 1973 v.v…
Các bài viết trên báo xuân, lâu nay luôn là “của để dành” của các cây bút vì tính tự sự cao, bộc bạch nhiều nỗi niềm sâu kín chưa có dịp viết ra, tiết lộ một câu chuyện độc đáo lạ kỳ đã từng nghe thấy trên đường đời... Phần văn xuôi trong cuốn sách này có mảng bài viết về thời chống Pháp, về đời sống trong những ngày tản cư, câu chuyện ăn Tết từ thành phố Hà Nội đến nông thôn của những tác giả gốc Bắc xa xứ mang đến nhiều tư liệu hay lạ và xúc động. Trong đó, bài viết “Quê ngoại” của họa sĩ Tạ Tỵ khiến người đọc rưng rưng dõi theo chuyến hành trình khó khăn của hai mẹ con về chơi Tết, thăm ông ngoại đang già yếu ở một vùng quê biển nghèo nàn xứ Bắc của một mùa xuân xa xưa thập niên 1940. Rất mừng vì công ty sách Phương Nam đã xin phép được gia đình của ông để được đăng bài viết đặc sắc này.
Mảng bài viết “truyền thống;” trên báo Xuân xưa, “Tết trong tù”, luôn sinh động, đậm tình người, tình yêu tổ quốc và ý chí vượt qua khó khăn đợi ngày tự do đi tiếp con đường kháng chiến. Mảng bài viết về đời sống Sài Gòn, lục tỉnh xưa đầy yêu thương, lạc quan và trào lộng, nhiều thú vui thế tục... về chuyện đời sống thời khủng hoảng kinh tế, thú vui đá gà, tục gọi hồn... Mảng bài “đường rừng” đặc sắc, huyền hoặc và thu hút độc giả thời đó, đọc lại vẫn hay.
Bài viết “Về một mùa” viết về hoa cỏ rất mơ mộng và lãng mạn trên báo Tuổi Ngọc xuân Quý Sửu 1973 khiến tôi ngạc nhiên khi nhìn ra góc nhìn khác về nhà văn ẩn cư Ngụy Ngữ, thường viết về chiến tranh và xã hội. Bài được ông cho phép đăng và giúp biên tập lại vài chỗ.
Cuốn tuyển tập phần II này có thêm phần thơ Tết, là những bài đặc sắc mà cô trưởng ban biên tập PNB kể rằng đã đọc đi đọc lại nhiều lần vì thơ hay, lắng đọng và trữ tình. Một số bài đã có hơi thở hiện đại nhưng vẫn truyền đạt được cảm xúc. Được sáng tác trong thời chiến, nhiều bài buồn man mác nhưng hào sảng, chân thật, không làm dáng, không bi lụy... Là những bài được viết trong tâm trạng khắc khoải, mong chờ, nhiều hy vọng, nao nức trước không khí Tết và thiên nhiên ngày xuân. May mắn là đã liên lạc được một số nhà thơ còn sống để xin phép đăng, trong đó nhờ sự giúp đỡ của nhà thơ Trần Văn Nghĩa ở Phan Rang (có bài trong sách).
Tôi mong cuốn “Tùy bút – Hồi ký – Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa” tập 2 này sẽ là cuốn sách đáng đọc dịp Tết, sẽ như một tiếng vọng đẹp hay mùi hương trầm, có thể đưa chúng ta về cuộc sống một thời của cha ông trong mùa xuân này, tạm quên những bộn bề chật đầy tâm trí sau một năm kỳ lạ vừa qua.
Phạm Công Luận