Nam biều ký là một cuốn du ký chứa đựng những thông tin về xứ An Nam hồi cuối thế kỷ XVIII, được ghi chép bởi những thủy thủ Nhật Bản trên con thuyền Daijoumaru chở gạo gặp bão phải trôi dạt đến An Nam. Được xuất bản trong thời kỳ tướng quân Tokugawa bế quan tỏa cảng khắt khe, thậm chí có những sắc lệnh tử hình đối với thủy thủ nào cố tình vi phạm, việc in ấn phát hành sách vở ghi chép về hải ngoại cũng bị cấm tiệt, có lẽ vì thế mà một tác phẩm du ký như Nam biều ký lại càng đáng được chú ý.
Tác giả Shihōken Seishi 枝芳軒靜之 [Chi Phương Hiên Tĩnh Chi] là một nhân vật bí ẩn. Có nhiều phỏng đoán Shihōken Seishi là bút danh khác của Kimura Kenkadō 木村蒹葭堂 [Mộc Thôn Kiêm Hà Đường] (1737-1802) – một nhà sưu tầm sách và là một học giả rất nổi tiếng ở Osaka.
“Bản dịch Nam biều ký cung hiến tới độc giả một góc nhìn sinh động bằng văn tự và hình ảnh về nhân vật nước Nam cuối thế kỷ XVIII, đồng thời cũng tự phản ảnh một giác độ về người Nhật Bản. Cái nhìn so sánh là không thể thiếu trong Nam biều ký, bởi thiên di là đặc tính nghề nghiệp của chứng nhân thủy thủ. Không thể phủ nhận, đường biển với các lợi thế hiển nhiên và các rủi ro tiềm ẩn là yếu tố đáng kể hình thành dòng du ký Việt-Nhật. Sự hiện diện công phu của bản dịch Nam biều ký cũng góp phần khảo cứu so sánh về chủ đề giao lưu của Việt Nam với các quốc gia trong chiều dài lịch sử.” - Giáo sư Nguyễn Thế Anh