Triều đại Tây Tấn (266 – 316) xuất hiện một cuốn sách sử có nội dung khác biệt so với “Sử ký”, đó là “Trúc thư kỷ niên”. Nghĩa đen của nó là “Biên niên sử viết trên thẻ tre”. Qua nghiên cứu, chỉnh lý, các nhà học giả cho biết “Trúc thư kỷ niên” là sách sử nước Ngụy thời Chiến Quốc, chép sự kiện từ thời Hoàng Đế tới tận năm 299 TCN.
Bản gốc “Trúc thư kỷ niên” được chôn cùng với vua Ngụy Tương vương (chết năm 296 TCN), chôn ở huyện Cấp (nay là thành phố Vệ Huy, tỉnh Hà Nam). Nó được phát hiện vào năm 281 thời Tấn Vũ Đế. Cùng với “Sử ký”, “Trúc thư kỷ niên” chính là văn bản cổ quan trọng nhất về Trung Hoa buổi sơ khai. Việc khám phá ra “Trúc Thư Kỷ Niên” cũng là một câu chuyện truyền kỳ đặc sắc.
Tương truyền, đầu những năm Tây Tấn, có một kẻ trộm mộ tên là Bất Chuẩn, lén trộm một ngôi mộ cổ ở huyện Cát Cáp, tỉnh Hà Nam. Sau khi mở nắp, vì bên trong tối đen nên Bất Chuẩn đốt cây đuốc nhỏ mang theo người để soi sáng. Tuy vậy hắn vô cùng thất vọng vì bên trong không có châu báu, vàng bạc mà chỉ là những cuốn sách viết trên thẻ trúc cũ kĩ. Đối với hắn những cuốn sách này hẳn là vô giá trị. Bất Chuẩn đem những thứ có giá trị trong mộ đi, còn những quyển sách thì bỏ lại trong mộ.
Sau đó, dân làng phát hiện ra ngôi mộ bị mở nắp, bên trong là những cuốn sách vứt chỏng chơ nên đã báo cho quan phủ. Một số quan viên đến nhìn thấy nội dung bên trong các cuốn sách này là những hàng chữ chỉnh tề, đoán rằng có lẽ đó là những ghi chép do người cổ đại để lại nên không dám tự quyết. Họ điều xe thồ đến chở số sách này về kinh sư ở Lạc Dương.
Sau khi số sách này được đưa về Lạc Dương, Tấn Vũ Đế nghe nói đây là sách được khai quật từ trong mộ cổ liền lệnh cho người nghiên cứu kỹ lưỡng. Các học giả thời cổ đại Tây Tấn khám phá ra rằng, những cuốn sách viết trên thẻ trúc này đã ghi lại tất cả điển tích của triều đại nước Ngụy thời Chiến Quốc. Về sau chúng được chỉnh lý lại thành sách sử lấy tên là “Trúc thư kỷ niên”, nội dung ghi lại rất nhiều chuyện kinh thiên động địa.
(Nguồn: Đại kỷ nguyên)
Trúc thư kỷ niên cùng Sử ký Tư Mã Thiên là một trong hai văn bản cổ quan trọng nhất về nước Trung Hoa buổi sơ khai.