Quyển sách "Miền Tây dung dị" là tập hợp 27 bài phóng sự nhỏ như hai mươi bảy bức họa sống động, dựng nên không gian miền Tây sông nước với nhiều lớp cảnh khác nhau.
Đó có thể là những người níu giữ ngành nghề truyền thống dệt thổ cẩm Chăm, làm lồng đèn, làm chiếu cói hay gìn giữ những trang sách cổ đầy tri thức. Hoặc, những con người liên nối giữa thời chiến tranh và hiện tại bằng tình đồng đội của hai con người cùng tên Bảy. Có thể là những tấm gương người dân chân chất, tham gia thiện nguyện vì cộng đồng của ông Phước "luật sư", hay ông Huỳnh Khắc Nam người có số lần hiến máu cứu người cao kỷ lục của miền Tây 45 lần... Qua từng bài, độc giả sẽ dần nhận ra cảm xúc chung của những người con miền Tây sông nước, từ người Bí thư tỉnh ủy "thân dân" Lê Minh Hoan đến người dân bình thường nhất, đều hiện rõ sự tự hào về công cuộc đổi mới từng ngày của quê hương.
Xuất thân là nhà báo, từng bài viết của tác giả Dương Út thấm đẫm chất tin tức, với thông tin cuộn nối thông tin; nhưng cảm nhận sâu hơn, chúng ta có thể thấy ẩn sau đó là chất ký sự - tùy bút của văn chương chứ không còn đơn thuần là báo chí.