“Nhật ký phi công tiêm kích" là những ghi chép của Trung tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Soát suốt 7 năm 1966-1972.
Trong cuộc chiến đấu trên không năm 1972, phi công tiêm kích Nguyễn Đức Soát trực tiếp bắn rơi 6 máy bay, với cương vị Đại đội trưởng cùng Đại đội 3 Trung đoàn phi công tiêm kích 927 lập công xuất sắc, bắn rơi 29 máy bay Mỹ các loại. Qua thực tế chiến đấu, ông đề xuất tổ chức các trận đánh “biên đội 4 máy bay”. Kết thúc các trận không chiến, phi công Nguyễn Đức Soát được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại đội 3 Trung đoàn tiêm kích 927 được tuyên dương đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” lần thứ 2.
Chính vì một bầu trời luôn trong sáng mà bao đồng chí thân yêu của tôi đã không trở về, họ mãi mãi sống trong "đại dương thứ năm", mãi mãi "sống trên bầu trời quê mẹ". ...Suốt đời tôi mãi tri ân những người bạn chiến đấu cùng thời, những người chỉ huy tài ba, những người cán bộ làm công tác chính trị, tham mưu, bảo đảm kỹ thuật, hậu cần. Tất cả đã giúp cho tình yêu bầu trời của tôi được trọn vẹn. Suốt đời tôi luôn có khát vọng bầu trời quê mẹ luôn xanh trong và mãi mãi bình yên! - Trung tướng NGUYỄN ĐỨC SOÁT
Cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” được chia làm 3 phần. Phần Một: Học bay. Phần Hai: Chuẩn bị hành trang. Phần Ba: Xung trận. Ngoài ra còn có thêm ảnh tư liệu, phần “Mục từ” thống kê những phi công tiêm kích Việt Nam và một số phi công Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam, những sĩ quan chỉ huy ở cả hai phía…có ích rất nhiều cho những ai muốn tìm hiểu về “những trận không chiến trên bầu trời miền Bắc Việt Nam”…
Điểm độc đáo của “Nhật ký phi công tiêm kích” là việc để bạn đọc dễ tiếp cận các sự kiện. Trước mỗi giai đoạn, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đều viết thêm “lời dẫn”, làm rõ hơn các sự kiện mà trong nhật ký, do là người trong cuộc, ông chỉ ghi tóm tắt. Đồng thời, ông cũng bổ sung một số thông tin sau một số trang nhật ký nhằm làm rõ hơn về những phi công chiến đấu quả cảm mà hành động của họ là những gương sáng để các thế hệ sau noi theo… Đó là những chỉ huy trực tiếp của phi công Nguyễn Dức Soát: các Anh hùng Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Nhật Chiêu… Đó là những đồng đội như các Anh hùng Lê Thanh Đạo, Nguyễn Tiến Sâm, Đỗ Văn Lanh, Bùi Đức Nhu, Nguyễn Văn Nghĩa, Hán Vĩnh Tưởng. Và 3 phi công được truy tặng danh hiệu Anh hùng là Vũ Xuân Thiều, Ngô Duy Thư và Hòang Tam Hùng…
Những nhận xét đánh giá về cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích”
"từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới 27 tuổi.
Chuyện của một người nhưng đọc lên sẽ thấy tinh thần, khí phách của một thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến đấu khốc liệt, không cân sức với Không quân Mỹ hùng mạnh; thấy được những chiến công oanh liệt cũng như tổn thất không gì bù đắp nổi của chiến tranh; thấy được cuộc sống, tình bạn, tình yêu, tình đồng chí thật đẹp …
Trong cuốn sách này không chỉ thuần những dòng nhật ký của tác giả. Để bạn đọc tiếp cận văn bản thuận tiện hơn, tác giả đã viết thêm những dẫn nhập bối cảnh sự kiện, tương quan lực lượng ta - địch, số phận những nhân vật chính trong nhật ký, những hồi ức và những chiêm nghiệm khi đã có độ lùi lịch sử… - ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong trắng, tận hiến tự - nhiên - ý - thức cho Tổ quốc, nhân dân, Đảng và quân đội, vượt lên mọi thử thách khắc nghiệt, mọi khổ đau và mất mát để đi đến ngày chiến thắng." - Nhà thơ Hữu Việt
"Tôi rất phục anh đã ghi nhật ký liên tục suốt tám năm trời trong cả những giai đoạn chiến đấu ác liệt nhất. Đúng chẳng có ai mà nhớ hết sự đời đến từng ngày, giờ, thậm chí từng phút nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt- chỉ có nhật ký mới đảm bảo độ chính xác. Cuốn nhật ký của anh đã để lại cho đời, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau MỘT BÀI HỌC QUÝ." - Thượng tướng PHẠM THANH NGÂN