LỜI GIỚI THIỆU
Tôi quen Phan Thế Cải có dễ cũng đã hơn ba mươi năm. Cũng là thời gian anh em tình nghĩa và chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống và công việc, nhất là sự nghiệp cầm bút. Ngày ấy Cải mới tốt nghiệp lớp báo chí của Trường Tuyên huấn (nay là Học viện Báo chí - Tuyên truyền) về công tác tại Báo Nghệ Tĩnh được vài năm, nhưng đã được xem là một cây viết có triển vọng, vì từng có một số tác phẩm báo chí, nhất là phóng sự, bút ký chất lượng tốt, gây tiếng vang trong dư luận, với các nội dung đề cập và vấn đề đặt ra sát với cuộc sống sôi động, bức xúc đang đòi hỏi cần giải quyết. Khi ấy, tôi đang công tác ở Báo Nhân Dân cuối tuần, một số lần vào Nghệ Tĩnh công tác, được Tổng Biên tập cử anh đi hướng đạo, vì anh là người địa phương, thông thuộc địa bàn, có thể hỗ trợ về nghề nghiệp. Và như vậy chúng tôi có nhiều chuyến rong ruổi cùng nhau trở lại những cung đường gian khổ thời chống Mỹ, từ Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Linh Cảm, lên đến biên giới Việt - Lào, gặp gỡ những điển hình anh dũng một thời, lại cùng nhau tới những địa bàn, những nơi khó khăn của tỉnh, thâm nhập cơ sở và tìm hiểu vấn đề, cả cái hay lẫn cái dở, để viết bài. Từ những chuyến đi như thế, tôi nhận thấy ở anh có nhiều nét quý của người làm báo hiện đại: xông xáo, nhanh nhạy, sức nhớ tốt, không ngại khó ngại khổ, sáng tạo trong phát hiện và quyết liệt đi đến tận cùng của vấn đề.
Nhưng ở Phan Thế Cải không chỉ có năng lực làm báo, mà tôi còn nhận ra ở anh còn niềm đam mê sáng tác văn chương nữa. Từng là học sinh giỏi văn thời phổ thông, lại thêm vốn sống thực tiễn của một thời tham gia quân đội, làm báo, nên việc sáng tạo cũng thuận và sớm thành công, bởi báo chí và văn chương là hai lĩnh vực gần gũi có sự bổ sung cho nhau.