Tìm Hiểu Thế Giới Cảm Xúc Của Bé Trai
Trong Tìm hiểu thế giới cảm xúc của bé trai, Tiến sĩ Dan Kindlon và Tiến sĩ Michael Thompson, hai trong số những nhà tâm lý học trẻ em hàng đầu của Mĩ, đã chia sẻ những gì họ nghiên cứu hơn 35 năm cùng với kinh nghiệm làm việc với vô vàn các bé trai và gia đình các bé.
Tiến sĩ Michael Thompson đã chia sẻ: Qua cuốn sách, “tôi muốn minh hoạ đời sống nội tâm của các bé trai cho bố mẹ các bé thấy, để từ đó họ sẽ không xa cách con trai mình, không bị tổn thương và buồn rầu trước những thay đổi của con mà không thể hiểu nổi. Tôi muốn chỉ cho cho các bố mẹ cách làm thế nào để phát triển ngôn ngữ cảm xúc phù hợp với con trai mình, một thứ ngôn ngữ sâu sắc và lâu bền – một kênh giao tiếp có thể giúp các bé trai vượt qua được những cuộc đấu tranh dữ dội và tàn nhẫn của tuổi vị thành niên.”
Còn Tiến sĩ Dan Kindlon thì khẳng định: “Lúc đầu, chúng tôi viết theo kiểu sách hướng dẫn, với rất nhiều những gợi ý nhỏ để làm sao trở thành các bậc bố mẹ tốt hơn. Nhưng cuối cùng, chúng tôi nhận ra rằng lời khuyên tốt nhất mà chúng tôi có thể đưa ra là hãy thấu hiểu các cậu bé với chính con người thực của các em – thay vì cách các cậu tỏ ra hay cách chúng ta muốn các em trở thành. Mong ước sâu sắc nhất của chúng tôi là kéo được tấm vỏ bọc mà các bé trai quấn chặt quanh mình và cho cha mẹ một cái nhìn vào tận sâu trong tâm trí và trái tim của các bé.”
Với 11 chương, hai tác giả giúp người đọc hiểu đúng về bé trai và thế giới cảm xúc của bé trai là gì. Bé trai khác bé gái. Đừng lấy cách hành xử và thái độ của bé gái để “chụp mũ” cho cách hành xử và thái độ của bé trai. Từ đó, các bậc làm cha làm mẹ khác sẽ biết cách làm thế nào để nuôi dạy con trai thật tốt. Quả thực, bạn sẽ không thể nuôi dạy tốt một đứa trẻ nếu bạn không hiểu đứa trẻ ấy.
“Con đường chưa ai đi”, “Hoa hồng có gai”, “Trả giá đắt cho kỳ luật hà khắc”, “Văn hoá tội ác”, “Mẹ và con trai”, “Bên trong pháo đài của sự cô độc”, “Con trai đấu tranh với bệnh trầm cảm và nạn tự tử”, “Rượu và ma tuý”, “Đến sỏi đá cũng biết rung động”, “Giận dữ và bạo lực”, “Điều các cậu bé cần” đã tạo nên một bức tranh đẩy đủ, rõ ràng về thế giới cảm xúc bé trai với điểm nhấn là những công cụ hữu ích giúp bậc làm cha mẹ nuôi dạy tốt các bé.
Mỗi chương, hai tác giả cung cấp những nghiên cứu tâm lý khoa học về bé trai sáng rõ, rồi đính kèm các ví dụ thực tiễn. Đa phần đều là những ca trị liệu của chính hai tác giả. Rất thực và thật. Họ chủ yếu tập trung vào đời sống nội tâm của các bé, vạch trần định kiến về giới, giải thích tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng các kỹ năng giao tiếp và đồng cảm ở các bé trai cũng như các bé gái, đồng thời hướng các bé trai tới hành trình trưởng thành là một người đàn ông tình cảm, không “khắc kỷ” và cô độc. Họ cũng đưa ra những thách thức mà trường học truyền thống mang lại cho các bé trai. Ở đó, những hành động của các bé trai từ đơn giản tới phức tạp như: tăng động, dễ gây hấn, tức giận, khó chịu, tới uống rượu, chơi ma tuý, yêu đương, đối xử tàn ác với bạn bè và những người xung quanh, hay bất cứ những gì các cậu nói, hành xử đều gặp những phản ứng “vô cùng nhạy cảm”. Đặc biệt chương “Mẹ và con trai” và “Bên trong pháo đài của sự cô độc” chỉ ra mối quan hệ giữa mẹ và con trai, hay cha và con trai sẽ giúp các bậc phụ huynh định hình lại mối quan hệ của chính mình với con, đồng thời lý giải được những mâu thuẫn hay xảy ra trước đó với con trai mình cùng các cách khắc phục sau đó. Ngoài ra, cuốn sách cũng liệt kê đầy đủ những hậu quả nuôi dạy con trai sai lầm khi không hiểu con và thế giới cảm xúc. Từ đó, con đường trưởng thành của con gập ghềnh và ảnh hưởng nhiều đến tâm lý con mãi về sau.
Cuốn sách sâu sắc này là dành cho những bậc làm cha làm mẹ, giáo viên hay bất cứ ai quan tâm tới nuôi dạy các bé trai thành những thanh niên, người đàn ông trưởng thành, khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tình thần, và tuyệt nhiên tràn đầy cảm xúc.
Mục lục:
Mở đầu
Chương 1: Con đường chưa ai đi
Chương 2: Hoa hồng có gai
Chương 3: Trả giá đắt cho kỷ luật hà khắc
Chương 4: Văn hóa tội ác
Chương 5: Mẹ và con trai
Chương 6: Bên trong pháo đài của sự cô độc
Chương 7: Con trai đấu tranh với bệnh trầm cảm và nạn tự tử
Chương 8: Rượu và ma túy
Chương 9: Đến sỏi đá cũng biết rung động
Chương 10: Giận dữ và Bạo lực
Chương 11: Điều các cậu bé cần
Trích đoạn sách:
KỸ NĂNG THẤU HIỂU CẢM XÚC: GIÁO DỤC ĐẤU VỚI MÙ QUÁNG
Nếu bạn hỏi một cậu bé: “Điều đó khiến cháu cảm thấy thế nào?” thì cậu bé sẽ thường không biết phải đáp lại ra sao. Thay vào đó, cậu bé sẽ nói về việc mình đã làm gì hoặc định làm gì đối với vấn đề đó. Vài cậu bé thậm chí còn không biết dùng từ gì để miêu tả cảm xúc của mình – như buồn, giận hay xấu hổ chẳng hạn. Khi làm việc cùng các bé trai và cả những người đàn ông trưởng thành, chúng tôi dành phần lớn thời gian để giúp họ hiểu về đời sống tình cảm của mình và phát triển vốn từ vựng về cảm xúc. Chúng tôi bắt đầu bằng việc giúp họ hiểu rõ hơn về cảm xúc của chính mình và người khác – nhận ra chúng, gọi tên chúng và biết chúng đến từ đâu. Chúng tôi cố gắng dạy họ kỹ năng thấu hiểu cảm xúc – khả năng đọc và hiểu cảm xúc của mình và người khác.
Quá trình này rất giống với việc học đọc. Đầu tiên, chúng ta phải nắm được các chữ cái và âm trong bảng chữ cái, sau đó mới dùng kiến thức đó vào việc đọc từ và câu. Khi bắt đầu hiểu và đánh giá đúng những ý nghĩ ngày càng phức tạp hơn, chúng ta sẽ có khả năng giao tiếp với người khác một cách hiệu quả. Cuối cùng, khả năng đọc hiểu sẽ kết nối chúng ta với một thế giới rộng lớn hơn, vượt ra khỏi những ý tưởng và trải nghiệm của riêng mình.
Cũng tương tự như vậy, học kỹ năng thấu hiểu cảm xúc là học cách nhận ra biểu hiện và cảm giác về cảm xúc của mình, sau đó sử dụng kỹ năng này để hiểu rõ hơn về bản thân mình và người khác. Chúng ta học cách đánh giá độ phức tạp trong cảm xúc của cuộc sống và nhờ đó nâng cao các mối quan hệ trong công việc lẫn đời sống cá nhân, giúp chúng ta củng cố những mối gắn kết làm cuộc sống thêm phong phú.
Xây dựng kỹ năng thấu hiểu cảm xúc trước hết là thông qua nhận diện và gọi tên cảm xúc của mình; thứ hai là thông qua nhận ra ý nghĩa cảm xúc trong lời nói, biểu hiện trên khuôn mặt hay ngôn ngữ cơ thể; thứ ba là thông qua hiểu biết về các tình huống hoặc phản ứng sinh ra các trạng thái cảm xúc. Qua đó, chúng ta trở nên có ý thức hơn về mối liên kết giữa sự mất mát với nỗi buồn, giữa sự thất vọng với cơn giận dữ, giữa mối nguy hại sản sinh từ lòng kiêu hãnh hay lòng tự trọng với nỗi sợ hãi. Với kinh nghiệm làm việc cùng các gia đình, chúng tôi nhận thấy rằng hầu hết các bé gái đều được khích lệ nhiều để phát triển kỹ năng thấu hiểu cảm xúc ngay từ khi còn rất nhỏ – biết nhận thức và thể hiện cảm xúc của mình cũng như hiểu được cảm xúc của người khác. Rất nhiều bé trai không được khích lệ như thế và thể hiện rõ nét là thiếu hụt cảm xúc từ lúc còn nhỏ, khi các bé hành động mà hoàn toàn không để ý đến cảm xúc của người khác dù ở nhà, ở trường hay ở sân chơi.
Các bà mẹ thường sốc trước cách cư xử đầy giận dữ và thô bạo của các bé trai hoặc con trai mình – dù mới khoảng 4 hoặc 5 tuổi mà các bé đã gào vào mặt họ, chửi rủa hay thậm chí còn muốn đánh họ. Họ luôn phàn nàn các bé trai quá hung hăng và “dường như không quan tâm đến ai hết“. Chúng tôi cũng nghe thấy các giáo viên lâu năm phàn nàn tương tự như vậy.
Họ rất choáng váng khi các bé trai tức giận và đập phá dữ dội trong lớp học. Người lớn rất hay biện hộ hành vi này là “trẻ con” nên vô hại. Giống như tuổi dậy thì, tuổi trưởng thành rồi cũng sẽ đến vào một ngày nào đó và thay đổi đời sống tình cảm của các bé trai. Nhưng thiếu những hiểu biết cơ bản về các bé thì chúng ta sẽ chẳng giúp ích được gì cho các bé cả. Rõ ràng là việc bỏ qua những tâm tư tình cảm của các bé sẽ khiến bản thân các bé phải trả giá khá đắt. Nếu không được giáo dục cảm xúc, bé trai sẽ phải đối diện với áp lực tàn nhẫn của tuổi vị thành niên và văn hóa đồng trang lứa chỉ bằng những phản ứng “nam tính” mà các bé biết sẽ được xã hội chấp nhận – tức giận, gây hấn và thiếu vắng cảm xúc.
Trước khi bắt đầu làm việc và trò chuyện với các bé trai, chúng tôi phải thuyết phục các bậc phụ huynh và thầy cô giáo rằng, chính nền văn hóa đã áp đặt phản giáo dục cảm xúc lên các bé và khiến các bé chịu nhiều hậu quả nặng nề. Rất nhiều trong số các bé còn rơi vào trạng thái khủng hoảng. Nhìn chung, tất cả các bé đều cần được giúp đỡ. Có lẽ xu hướng coi các bé trai sẽ là những người đàn ông thành công trong tương lai, và coi các vấn đề mà các bé trải qua thời thơ ấu là không quan trọng bắt nguồn từ việc nam giới được hưởng quá nhiều quyền lực lẫn uy danh trong xã hội. Người ta có khuynh hướng cho rằng các bé trai là phải tự lực, tự tin và thành công, không dễ xúc động và nhút nhát. Người ta thường mặc định là các bé trai thì phải mạnh mẽ và thường phớt lờ những dấu hiệu cho thấy các bé đang bị tổn thương.
Vậy là các thính giả của chúng tôi không còn hoài nghi nữa. Họ thấy phấn khởi hơn. Nhưng rồi những sự kiện bi thảm xảy ra trong vài năm ngắn ngủi đã khiến họ bừng tỉnh. Các vụ giết chóc và bạo lực do các bé trai mắc rối loạn cảm xúc khi còn trong độ tuổi vị thành niên gây ra đã nâng cao nhận thức của cộng đồng và làm dấy lên cuộc thảo luận lan rộng về “vấn đề của các bé trai” trong trường học và cộng đồng trên cả nước.
Các con số thống kê vụ việc đã chỉ ra rất rõ ràng: Khoảng 95% các vụ giết người ở tuổi thanh thiếu niên đều liên quan đến các bé trai. Cứ năm vụ án đưa ra xét xử ở tòa án thanh thiếu niên thì có đến bốn vụ có tội phạm là các bé trai. Con số này chiếm gần 9/10 những vụ vi phạm luật sử dụng rượu và ma túy. Tự tử là nguyên nhân đứng thứ ba gây ra tử vong cho các bé trai ở giữa và cuối độ tuổi thanh thiếu niên (tai nạn và giết người đứng thứ nhất và thứ hai). Đa số các vụ tự tử “thành công” thuộc về các bé trai, cao gấp 7 lần so với các vụ tự tử ở bé gái ở độ tuổi này.
Mặc dù giết người là hành động táo bạo gần như của riêng nam giới nhưng không phải bé trai nào cũng hành động như vậy. Các bé đều là những học sinh rất trầm lặng kể cả trong lòng rất giận dữ và đau đớn. Các bé mong mỏi được yêu thương, chấp nhận và đồng thuận từ bố mẹ cũng như bạn bè đồng trang lứa. Các bé đấu tranh cho lòng tự trọng. Các bé hành động bốc đồng, xúc động bởi những thứ tình cảm mà mình không thể gọi tên hoặc không thể hiểu nổi. Các bé gạt bỏ cảm xúc của mình rồi đối xử tàn nhẫn với nhau hoặc với các bé gái. Sự hỗn loạn trong nội tâm các bé được phản chiếu qua chính thất bại trong học hành, trạng thái chán nản, tình trạng nghiện ma túy, nghiện rượu, các mối quan hệ rắc rối và phạm pháp.