Tác giả: Richard Rhodes, đoạt giải Pulitzer với cuốn sách “Chế tạo bom nguyên tử” (The Making of the Atomic Bomb)
“Mục đích quan trọng của cuốn sách này là khám phá lịch sử năng lượng; làm sáng tỏ thêm những lựa chọn mà chúng ta đang phải đối mặt trước thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu. Những người trong ngành kinh doanh năng lượng nghĩ rằng chúng ta coi năng lượng là điều hiển nhiên. Họ nói rằng chúng ta chỉ quan tâm đến nó khi đến cây xăng hoặc khi tìm ổ cắm trên tường. Có thể đó từng là sự thật nhưng bây giờ thì khác. Biến đổi khí hậu nay là vấn đề chính trị lớn. Hầu hết chúng ta đều biết đến nó và ngày càng quan tâm, lo lắng về nó hơn. Các ngành nghề bị nó thách thức. Năng lượng phủ bóng đen lên nền văn minh nhân loại với sự ảm đạm đen tối y như mối đe doạ về ngày tận thế hay nỗi lo sợ sự huỷ diệt hạt nhân trong những năm dài Chiến tranh Lạnh.” (trích Lời tựa)
“Rhodes hi vọng rằng cái nhìn phê phán về những công nghệ năng lượng trong quá khứ sẽ mang lại lợi ích cho những công nghệ năng lượng trong tương lai.” (Science Magazine)
“Cuốn sách dành cho bất kì ai quan tâm đến tác động của con người đối với tương lai của thế giới." (BookPage)
Trong cuốn Năng lượng: Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân, tác giả Richard Rhodes đã trình bày về các xu thế năng lượng qua các thời kỳ phát triển của nền văn minh nhân loại cùng những câu chuyện liên quan.
Trong kỷ nguyên mới, con người đang phải đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu. Một trong những nguyên do chính góp phần vào hệ quả đó là việc tiêu dùng nhiên liệu hóa thạch một cách ồ ạt, nhất là khi thế giới bước vào Cách mạng Công nghiệp.
Đến giữa thế kỷ 20, năng lượng hạt nhân xuất hiện, một nguồn sức mạnh cực kỳ to lớn được con người chế ngự. Người ta hi vọng nguồn năng lượng mới này sẽ giải quyết được vấn đề thiếu hụt năng lượng và hệ lụy môi trường đang ngày một bức thiết.
Tuy nhiên, hành trình để tiếp nhận năng lượng hạt nhân vẫn còn nhiều trở ngại, không chỉ về mặt khoa học kỹ thuật mà còn là vấn đề an toàn sử dụng, rào cản chính trị-xã hội. Một khi con người luôn muốn sử dụng hạt nhân cho hai mục đích: quân sự và dân dụng, thì việc e ngại nó là tất yếu.
Luôn đặt niềm tin vào năng lượng hạt nhân, tác giả cho rằng các vấn đề này có thể được giải quyết ổn thỏa, khi trước giờ đã có nhiều đánh giá sai lầm về nguồn năng lượng này, từ mối đe dọa phơi nhiễm phóng xạ tới vấn đề rác thải hạt nhân.
Trong các công nghệ năng lượng quy mô lớn, ngành hạt nhân có số vụ tai nạn ít nhất và số người chết ít nhất. Rất ít gây ô nhiễm không khí và luôn sẵn sàng phục vụ khiến điện hạt nhân dễ dàng trở thành nguồn năng lượng hứa hẹn nhất của thế kỷ 21.
Tác giả tin rằng các thế hệ tương lai sẽ có những bước tiến kỹ thuật đủ để chế ngự nó hoàn toàn. Ngoài ra, năng lượng tái tạo cũng là một vị cứu tinh khác, điện gió và điện mặt trời đang trở nên phổ biến và được ưa chuộng, tuy chỉ mới chiếm thị phần nhỏ.
Các nguồn năng lượng này sẽ hợp sức tạo ra xu thế năng lượng mới, theo như mô hình thay thế năng lượng mà tác giả đưa ra ở cuối sách, với niềm lạc quan về khoa học công nghệ và sự thịnh vượng của nhân loại.