Tôn giáo tại Việt Nam khá đa dạng, gồm có Phật giáo (cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa và một số nhóm lấy nền tảng là triết lý Phật giáo nhưng được cải biên để thích ứng với văn hóa như Hòa Hảo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương); Kitô giáo (gồm nhánh Công giáo Rôma và nhánh Tin Lành); tôn giáo nội sinh như đạo Cao Đài; và một số tôn giáo khác (Hồi giáo và Ấn Độ giáo). Nền tín ngưỡng dân gian bản địa cho tới nay vẫn có ảnh hưởng nhất định tại Việt Nam.
Việt Nam thời cổ đã có các hình thức thực hành tôn giáo đối với các đối tượng tự nhiên. Các hình trang trí trên trống đồng Đông Sơn đã phản ánh các nghi lễ tôn giáo thời ấy, trong đó mô tả rất nhiều về hình ảnh một loài chim, mà cụ thể là chim Lạc, khiến các sử gia tin rằng, chúng là đối tượng được người Việt cổ tin thờ. Ngoài ra, con rồng cũng được xuất hiện nhiều trong các sản phẩm nghệ thuật, mỹ thuật Việt Nam, phát sinh từ việc thờ kính Lạc Long Quân, một huyền thoại về người được cho là cha đẻ của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, các đối tượng tự nhiên khác như động vật, núi, sông, biể cũng được người Việt tôn làm thần bảo vệ, chúc phúc cho con người. Tôn giáo tại Việt Nam có mối liên hệ với nền văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ nhưng người Việt còn kết hợp yếu tố truyền thống đạo đức dân tộc mình vào đó để hình thành tôn giáo mang bản sắc riêng.