Đi tìm sự thật của quá khứ là một việc khó, giải mã các bí ẩn của cổ sử (trước khi có các ghi chép sử sách chính thống) lại còn khó hơn. Tôi vẫn hình dung những người đi tìm sự thật trong quá khứ ấy giống như những người phiêu lưu vào nơi tăm tối nhất đã bị chôn vùi bởi lớp bụi thời gian rồi đưa chúng ra ánh sáng bằng sự hiểu biết và mạo hiểm của bản thân mình. Người không mạo hiểm thì không thể tìm ra báu vật, cũng như không thể đặt lại các vấn đề quá khứ mà có thể khiến chúng ta phải lật ngược các niềm tin của mình để kiểm tra. Tạ Đức là một người nghiên cứu như vậy.
Giờ đây, người ta có thể gọi những người đi tìm sự thật của quá khứ bằng rất nhiều cái tên khác nhau, tùy theo thời thế, tùy theo loại chuyên môn: nhà sử học, nhà khảo cổ, nhà dân tộc học, nhà nhân học…v…v… Người ta, bằng sở học của mình, tranh luận với nhau về quá khứ, ai cũng cho rằng sự thật mình đào xới được mới là điều đúng duy nhất. Bởi thế, lời khen tiếng chê về một mảnh của quá khứ được tái hiện luôn luôn ồn ào, đôi khi ồn ào tới mức vùi dập mảnh quá khứ vừa được tái hiện ấy. “Nguồn gốc người Việt người Mường” đã từng bị rơi vào tình cảnh ấy vào năm 2013. Chỉ bởi vì dám mạo hiểm đánh thức những gì đã được chôn sâu trong bí ẩn của quá khứ, Tạ Đức đã bị công kích, bị phủ nhận, bị cấm chương trình giới thiệu sách tại L’espace và cấm tái bản cuốn sách tại Việt Nam.
Thế nhưng, không dừng lại ở đấy, nhà nghiên cứu Tạ Đức, vào đầu năm 2017, lại một lần nữa tái hiện một mảnh quá khứ khác với cái nhìn cận cảnh hơn: “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn”. Nếu “Nguồn gốc người Việt người Mường” là một cuộc đào xới ở diện rộng cả về diện tích địa lý, về sự đa dạng các chủng tộc, kho sử liệu phong phú đến từ nhiều nguồn… thì “Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn” là một cuộc dò tìm dấu vết của cổ vật mà thông qua cuộc dò tìm ấy, ta thấy hiện lên phần nào mảnh quá khứ về đời sống thẩm mỹ và tín ngưỡng, về những cuộc di dân diễn ra trên mảnh đất Việt này.