Tư Trị Thông Giám - Tập 7
Tư trị thông giám là bộ sử quan trọng hàng đầu của Trung Quốc, được viết theo thể biên niên. Nội dung của nó bao trùm một khoảng thời gian lịch sử rất dài, bắt đầu từ Chu Uy Liệt vương thời nhà Chu (403 trước Công nguyên), và kết thúc vào đời Chu Hiển Đức nhà Hậu Chu (959 sau Công nguyên), tổng cộng 1.362 năm, xuyên suốt 16 triều đại chính thống (theo sắp xếp của tác giả).
Xuất phát từ mục đích viết sử để góp phần củng cố sự thống trị của vương triều, xuyên suốt tác phẩm, nội dung và hình thức của sách mang màu sắc chính trị rất rõ nét, có thể nói, đây là điều quyết định quan điểm chính trị của sách. Bộ sử này không đơn thuần là ghi chép sự kiện, mà còn thông qua các sự kiện đó, phân tích rõ đầu mối của trị-loạn-hưng-suy, phân tích thiện ác, các chính sách… từ đó đút rút kinh nghiệm, thành tấm gương soi cho bậc đế vương thi hành đạo trị quốc. Điều ấy thật xứng đáng với tên gọi của nó: Tư trị thông giám.
Kết cấu của cuốn Tư trị thông giám tương đối chặt chẽ. Sự việc được ghi chép theo thời gian ngày, tháng, năm, lời văn mạch lạc rõ ràng. Tư trị thông giám ghi chép về rất nhiều mặt bao gồm quân sự, kinh tế, văn hóa tư tưởng, phạm vị cực kì rộng lớn. Đúng như lời của vua Tống Thần tông nói: “Cả thảy ghi chép về mười sáu triều, biên thành hai trăm chín mươi tư quyển, bày trong một gian hàng mà tóm lược được hết việc cổ kim, nội dung rộng mà cốt được yếu điểm, ghi chép tinh giản mà thuật rõ các việc, đấy cũng là tổng hợp các loại điển chương chế độ đời trước, là bộ thư tịch sâu rộng đầy đủ rôi”.
Một nét đặc sắc không thể bỏ qua, là những câu bình luận trong Tư trị thông giám, rất đa dạng và phong phú. Có những lời bình về lịch sử, có những lời bình về sự kiện, có những đánh giá về con người, có những đánh giá về chính sách, có những phân tích về kế mưu, phương lược… tất cả đều do tác giả thực hiện. Tác giả còn tuyển chép những lời bình luận của người đời trước một cách có chọn lọc để phù hợp với quan điểm của mình.
Tư trị thông giám là bộ sử biên niên cực kỳ quan trọng của Trung Quốc, nhờ tác phẩm mà giới học thuật thấy lại được một phần trong rất nhiều tài liệu đã mất, một phần tri thức của người xưa qua sách này được bảo tồn.
Sau sự thành công của Tư trị thông giám tập 1, tập 2, Nhà xuất bản Văn học và Nhà sách Tri thức trẻ tiếp tục giới thiệu Tư trị thông giám tập 3 đến bạn đọc.
Tư trị thông giám tập 3 gồm mười bảy quyển, ghi lại một giai đoạn không kém phần thú vị so với giai đoạn trước, chứa những biến cố lớn lao đáng để chúng ta chiêm nghiệm lâu dài.
Mở đầu là thời kỳ cai trị của Hán Ai đế. Hán Ai đế trị quốc không hơn gì Nguyên đế, Thành đế. Đặc biệt, Tư trị thông giám ghi chép hai sự kiện khiến mâu thuẫn giữa Ai đế và sĩ đại phu còn trầm trọng hơn hai vị vua trước.
Liên tiếp mấy đời vua không thuộc dòng đích bất tài, còn chà đạp cả danh giáo lẫn quyền lợi của sĩ đại phu khiến uy vọng mà Lưu thị tích lũy hai trăm năm tiêu tán. Vương Mãng, một đại thần dòng dõi ngoại thích thời Hán Nguyên đế, vốn có thanh danh cao, bị cách chức vì xung đột với Ai đế về tông thống, đã lợi dụng tình thế nắm lấy quyền lực, diệt trừ các phe phái đối lập về ý thức, đầu độc Hán Bình đế, chọn tôn Nhụ Tử Anh mới hai tuổi làm Hoàng đế, rồi từng bước dùng kế trá ngụy cướp lấy quyền chính, lật đổ nhà Hán, lập nên nhà Tân.
Với ghi chép tỉ mỉ của Tư trị thông giám, nhìn toàn cảnh thời đại ấy, ngoài thời thế, cơ mưu, lực lượng còn có một nguyên nhân khác đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình thành lập nhà Tân. Đó là cơ chế "Thiện nhượng" - nhường ngôi cho người hiền đức, vốn xuất hiện từ thời cổ, vẫn luôn tồn tại, lưu truyền và được xã hội tán thưởng, chấp nhận rộng rãi. Và còn rất nhiều sự kiện, những biến cố trong giai đoạn lịch sử này mà Tư trị thông giám tập 3 muốn gửi tới bạn đọc.
Thông tin tác giả
Tư Mã Quang (1019 - 1086), tự Quân Thực, lấy hiệu là Vu Phu, sau khi lớn tuổi xưng là Vu Tẩu, người đời gọi ông là Tốc Thủy tiên sinh.
Tư Mã Quang truyện trong Tống sử kể rằng: “Khi Quang lên bảy, nghe người khác giảng sách Tả thi Xuân Thu, lắng nghe đê mê, khi quay về, giảng giải lại cho người nhà , truyền thuật được hết các chỗ cốt yếu. Từ đấy về sau, tay không rời sách, đến mức quên cả đói khát, nóng lạnh.”
Năm Bảo Nguyên nguyên niên đời Tống Nhân Tông (1038), Tư Mã Quang mới 20 tuổi, thi đỗ tiến sĩ hạng Giáp khoa (hạng nhất), được bổ nhiệm làm Phụng lễ lang, bắt đầu tham gia chính sự. Trong thời gian tham gia chính sự, Tư Mã Quang thường luận bàn chính sách quốc gia, dần dần trở thành nhân vật quan trọng trên chính trường. Ông từng dâng sớ bàn về ba điều trọng yếu của việc tu thân là: Nhân, Minh, Vũ; ba điều trọng yếu trong việc trị quốc là: Quan Nhân, Tín thực, Tất phạt. Những luận bàn ấy được đánh giá là khá thấu đáo. Chủ trương của Tư Mã Quang mang nặng tư tưởng Khổng, Mạnh, là thủ lĩnh nhóm bảo thủ.
Tư Mã Quang là một tấm gương sang về lối sống, được dân chúng đương thời kính ngưỡng. Khi Tư Mã Quang qua đời, Tống Triết tông ra lệnh cho thần dân dừng hết mọi công việc, đề tang ba ngày. Tương truyền dân chúng tại kinh sư nghe tin Tư Mã Quang chết, thương khóc thống thiết như khóc người thân, đám tang của ông có hơn vạn người đến dự.
Thông tin dịch giả
Nhóm Cổ Thư Lâu bao gồm những thành viên: Bùi Thông, Phạm Thành Long, Nguyễn Đức Vịnh, Võ Hoàng Giang, Lê Hải An, Cao Thế Khải, Nguyễn Đỗ Thuyên, Trần Minh Tiến.
Mùa hè năm 2016, bộ sử Tam Quốc Chí (Trần Thọ) lần đầu được giới thiệu đầy đủ, hệ thống tại Việt Nam. Điều gây ngỡ ngàng ở chỗ bộ sách đồ sộ này được ra đời từ những người bạn quen nhau qua mạng, gắn kết bởi có chung sự quan tâm tới cổ sử, quyết tâm làm bộ sách vì tình yêu với lịch sử.
Cuối tháng 11 năm 2017, nhóm dịch tiếp tục mang tới bất ngờ mới: họ chuyển ngữ và cho ra mắt tập một bộ Tư trị thông giám (Tư Mã Quang chủ biên). Đây là bộ sử đồ sộ, trong nguyên tác có tới 294 cuốn và ba triệu chữ Hán cổ.
Về lí do thực hiện bộ sách, dịch giả Bùi Thông – thành viên trụ cột của nhóm chia sẻ: “…Như một guồng máy đang chạy, chững lại một thời gian bỗng thấy hụt hẫng. Lại cũng vì ham thích nghiên cứu cổ sử, nhóm muốn dịch một bộ sách nữa, liên quan ít nhiều với sử Việt, để gọi là có ích với cộng đồng.
Tư trị thông giám được chọn sau một thời gian bàn bạc và cân nhắc. Đây là bộ sử bao hàm những giá trị rộng lớn, cho ta hiểu thêm về tư duy và phương cách trị quốc truyền thống của giới lãnh đạo Trung Quốc, đáng để người Việt xem, ngẫm, ghi nhớ. Song, cũng phải nói đây là một sự liều lĩnh, bởi lẽ đây là một bộ sử đồ sộ bậc nhất của Trung Quốc. Nhưng chúng tôi vẫn tâm niệm rằng núi dẫu cao, bước kiên trì vẫn có thể lên tới đỉnh.”
Nói về việc phân chia công việc, dịch giả Bùi Thông cũng chia sẻ: Vì bộ sách dài, nhóm phân chia mỗi người dịch một số kỷ nhất định. Một số người phụ trách sưu tầm sử liệu, nguồn dịch, các tài liệu đối chứng rải rác trong “Nhị thập tứ sử” so sánh với tư liệu gốc, tránh sai sót.
Sau khi dịch xong vài cuốn nhỏ, sẽ chuyển sang cho một người hiệu đính, loại bỏ câu tối nghĩa, hoặc dịch chưa tròn ý, bổ sung chú thích cần thiết còn thiếu.
Hiệu đính xong, một số người khác sẽ tập trung rà soát từng câu, đảm bảo ngữ nghĩa thông suốt, thoát ý, câu văn không bị vấp váp, sửa lỗi chính tả. Cứ thế dần dần hoàn thành từng tập.
Ông Phạm Thành Long, một thành viên khác trong nhóm chia sẻ thêm: “Có thể nói là nhờ sự xuất hiện của Tam Quốc chí, nhóm dịch ban đầu chỉ gồm ba người đã kết nối được với nhiều bạn bè mới cũ cùng sở thích để hình thành nhóm Cổ Thư Lâu. Mỗi người phụ trách một công đoạn.”
Nói về việc bộ sách này, nhóm Cổ Thư Lâu từng có lần lên tiếng: Bắt tay vào việc chuyển ngữ pho sử đồ sộ này, nói là một thu chơi, hoặc một việc làm “không tự lượng sức”, đối với nhóm dịch và biên soạn, thế nào cũng đúng.