Cuốn sách này viết về Việt Nam từ thời kỳ khởi đầu của lịch sử thành văn trong thế kỷ III trước Công nguyên cho đến thế kỷ X, khi sự thống trị của Trung Hoa chấm dứt và một vương quốc Việt Nam độc lập được kiến lập. Trong mười hai thế kỷ này Việt Nam tiến hóa từ một xã hội chưa có chữ viết thuộc một nền 'văn minh Nam Hải' trở thành một thành viên tách biệt trong thế giới văn hóa Đông Á. Quá trình dài lâu này là công cuộc dựng nước của Việt Nam lịch sử."
"Dù sao, lịch sử Việt Nam chỉ tập trung chú ý vào tầng lớp nông dân ở vùng đồng trũng. Dù chịu sự kiểm tra và đánh thuế từ các quan lại Trung Hoa, người Việt Nam vẫn giữ nguyên bản chất của mình. Họ không bao giờ để mất ngôn ngữ mẹ đẻ cùng với những cảm xúc và tư tưởng riêng biệt của dân tộc hàm chứa trong ngôn ngữ ấy. Họ không bao giờ mất niềm tin vào quá khứ và di sản của dân tộc mình. Bằng cách bảo tồn di sản này, họ đã để lại dấu ấn riêng, không những trên các số liệu thống kê dân số còn lưu lại trong các thư tịch cổ, mà còn trong cái hiện thực tiếp diễn của một nước Việt Nam độc lập."
Việt Nam thời dựng nước là cuộc truy tầm "bản sắc Việt Nam" dưới áp lực liên tục của một đế chế phương Bắc, trải suốt 12 thế kỷ đầy biến động. Đó là một bản sắc tiền-Trung Hoa và phi-Trung Hoa, được bảo lưu và truyền thừa, với ít nhiều biến đổi. Là ấn bản được hiệu chỉnh và mở rộng [1983] từ luận án tiến sĩ của Keith W. Taylor tại Đại học Michigan [1976], với nguồn tư liệu phong phú [Anh, Pháp, Trung, Việt và Nhật], Việt Nam thời dựng nước là một công trình căn bản cho nghiên cứu sử chính thức về Việt Nam học.