Muốn dự đoán tương lai, chúng ta phải nhìn rõ hiện tại. Muốn nhìn rõ hiện tại, chúng ta phải thấu hiểu quá khứ. Người xưa dạy “ôn cố nhi tri tân” (ôn cũ để biết mới) cũng chính là vì thế. Đối với lịch sử và văn hóa Việt Nam, hiểu biết quá khứ để nhận rõ hiện tại không bao giờ là điều dễ dàng, và bài toán truyền thống/hiện đại có lẽ sẽ luôn luôn là một phương trình nan giải.
Tương tự như một “gene” di truyền trong sinh giới, phải chăng lịch sử một cộng đồng dân tộc cũng mang trong mình một gene di truyền văn hóa, một mã “meme” như thuật ngữ được dùng của các nhà nhân học đương đại. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa luôn luôn là một hằng số đồng thời là một biến số, nó luôn luôn kế thừa và biến đổi trong tiến trình phát triển.
Đã từng có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với lịch sử và văn hóa Việt Nam truyền thống. Những quan điểm cực đoan thường chỉ nhấn mạnh một chiều đến những yếu tố, hoặc tích cực hoặc tiêu cực.
Nhưng sẽ là công bằng và hợp lý hơn nếu chúng ta vận dụng tư duy phức hợp, để thấy rằng đó là một sự dung hợp giữa cái tốt và cái xấu, tích cực và tiêu cực, một bức tranh đa sắc pha trộn những gam màu sáng-tối, mà cảm thụ sẽ khác nhau tùy theo góc nhìn và tính cách của từng người nhìn ngắm.