Nhật Ký Trong Tù
Nhật ký trong tù có 134 bài thơ, ban đầu được viết bằng bút chì, trên mép trắng cắt ra từ những mảnh báo, khâu lại bằng sợi chỉ, bên ngoài đề là Ngục trung sinh hoạt cốt để không gây chú ý cho bọn gác ngục. Sau khi được trả tự do, rời khỏi Đệ tứ chiến khu, về sống ở trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng đồng minh trên đường Ngư Phong, thành phố Liễu Châu, tác giả mới có thời giờ xem lại, sửa chữa, hoàn thiện bản thảo vốn được ghi vội bằng bút chì trên các mẩu giấy báo, chép lại sạch sẽ bằng bút lông vào một cuốn sổ tay khổ 9,5 x 12,5 và đặt lại tên là Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù).
Trong quá trình chép lại có sửa chữa vào cuốn sổ, người đọc nhận thấy có bài đã được tác giả đặt tên mà chưa kịp chép thơ và ngược lại, có hai bài đã chép thơ mà chưa kịp đặt tên, cho thấy tác giả vẫn đang còn tiếp tục cân nhắc. Nhật ký trong tù không chỉ ghi lại những cảnh sinh hoạt trong tù, mà khách quan còn có ý nghĩa tố cáo chế độ nhà tù vô nhân đạo của chính quyền Tưởng Giới Thạch, nên về thời gian sáng tác, ở đầu cuốn sổ, tác giả cố tình viết chệch đi 10 năm: 29/8/1932–10/9/1933; nhưng cuối cuốn sổ, trên chữ “hoàn” (hết), tác giả đã ghi rõ: 29/8/1942–10/9/1943. Nhật ký trong tù lên án chế độ nhà tù hà khắc của chính quyền Tưởng Giới Thạch và thể hiện tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, tinh thần lạc quan cách mạng và tình cảm nhân đạo cộng sản chủ nghĩa cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một tác phẩm văn học lớn của một chiến sĩ cộng sản vĩ đại.