Kinh Duy Ma Cật
Kinh Duy Ma Cật sở thuyết còn có một tên khác nữa là Bất Tư Nghị Giải Thoát. Đó là tên kinh mà cũng là tông chỉ của kinh. Chúng ta có thể đi sâu vào tông chỉ của kinh qua hai phạm trù: tông thể và tông dụng. Tông thể là cơ sở tư tưởng để từ trên đó Bồ-tát triển khai thực tiễn hành đạo của mình. Tông dụng là mục tiêu và cũng là thực tiễn hành đạo của Bồ-tát.
Như vậy, cơ sở tư tưởng của Duy Ma Cật là bất tư nghị giải thoát, mà thực tiễn hành đạo của Duy Ma Cật cũng là bất tư nghị giải thoát. Nói cách khác, ở đây tông thể của kinh là “nhập bất nhị pháp môn” và tông dụng của kinh là “tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh”. Từ quan điểm triết học mà nhìn, chủ điểm mà kinh lấy làm nền tảng và triển khai nhận thức về thực tại là nguyên lý bất nhị (advaita). Để nhận thức được thực tại chân thực, Bồ-tát cần đi qua cánh cửa bất nhị.