Đại Nam nhất thống chí là bộ tổng tập đầy đủ địa chí các tỉnh và các đơn vị hành chính tương đương của nước Đại Nam nửa cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Cuốn sách tổng hợp những ghi chép tường tận về các mặt cương vực, lãnh thổ, hình thế, phong tục, cổ tích,... cho đến ruộng đất, hộ khẩu, nhân vật của một địa phương nào đó. Địa phương nhỏ thì từ đơn vị thôn như An Hội thôn chí của Bùi Dương Lịnh, xã như Trà Lũ xã chí của Lê Văn Nhưng, huyện như Thanh Chương huyện chí, phủ như Tiên Hưng phủ chí của Phạm Nguyễn Hợp, cho đến tỉnh như Bắc Ninh tỉnh chí và lớn hơn nữa là khu vực như Bắc Thành dư địa chí lục ghi chép về thành Thăng Long và 11 trấn thuộc Bắc Thành thời Gia Long do Lê Chất biên soạn, Gia Định thành thông chí của Lê Quang Định ghi chép về thành Gia Định và năm trấn Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên,...
Những ghi chép chia theo môn loại, viết riêng từng mặt, thành sách chuyên khoa cũng có rất nhiều như: Chuyên đề bản đồ địa hình thì có An Nam quốc Trung Đô tịnh thập tam thừa tuyên hình thế đồ họa, là tập bản đồ kinh đô Thăng Long và 13 thừa tuyên thời Lê. Chuyên về sưu tập địa danh thì có Các trấn tổng xã danh bị lãm, sưu tập địa danh phủ , huyện, châu, tổng, xã, thôn, xóm, vạn, sách, trang, phường, giáp, trại, thuộc 15 trấn, đạo từ Đèo Ngang trở ra Bắc hồi đầu thế kỉ XIX,...
Việc biên soạn sách phương chí phục vụ rất nhiều mục đích khác nhau. Trước hết đó là nhu cầu tìm hiểu mọi mặt các địa phương để phục vụ cho công việc quản lí cai trị địa phương của các cấp chính quyền từ triều đình đến bộ máy quan lại cao cấp. Ngoài ra việc biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí cũng thể hiện những bước thăng trầm của lich sử dân tộc và tinh thần dân yêu nước của các đời vua, các sử thần. Các vị vua yêu nước như Thành Thái, Duy Tân đều cho “trùng tu” lại bộ Đại Nam nhất thống chí nhằm mục đích tạo ra một sức mạnh thống nhất của dân tộc, chống lại chính sách chia để trị của thực dân Pháp.
Tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc còn được thể hiện ở từng trang sách, khi viết về các địa danh, danh thắng, nhất là về các anh hùng hào kiệt, những danh nhân các đời có công lao dựng nước, giữ nước, bảo vệ và phát huy nền văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc.
Đại Nam nhất thống chí là bộ tổng tập đầy đủ địa chí các tỉnh, do các thế hệ tác giả hữu danh và vô danh ở các địa phương và ở triều đình đóng góp công sức biên soạn, hiệu đính, bổ sung, chỉnh lí, cuối cùng được “trùng tu” và khắc in vào băm 1910. Bộ sách là bộ địa chí đầy đủ nhất, công phu nhất và có giá trị nhất trong toàn bộ ngành lịch sử địa phương chí Việt Nam thời phong kiến.