Ngày 14-05-1935, Khâm sứ Trung Kỳ cấp phép thành lập Đà Thành Phật học hội.
Ngày 15-01-1937, Tam Bảo Chí, cơ quan ngôn luận của Hội ra số đầu tiên.
Chánh chủ bút tạp chí là Trí Hải Hòa thượng, chùa Bích Liên, Bình Định, Phó chủ bút là Giác Chánh Thuyền sư, chùa Giác Phong, Quảng Trị; Chủ nhiệm là ông Trần Văn Uyển Phramaclen indochinois Tourane; Quản lý: Trần Tư, Tourane. Tòa soạn tại chùa Hội quán: Sắc tứ Phổ Thiên tự, phố Macpuôcpơ (Marc Pourpe Paolongéte) Tourane, khổ báo: 160 x 240 mm, in tại Mỹ Thắng ấn quán, số 50 C, phố Bảo Hộ, Nam Dinh. Từ số 1-3 tạp chí ra mỗi tháng một kỳ, mỗi số dày chừng 59-63 trang; số 4,5 hai tháng ra một kỳ, từ số 6 trở đi 3 tháng ra một kỳ, số trang giảm xuống còn 52-53 trang.
Báo xem trọng việc thành lập các cơ sở giáo dục, cơ cấu tổ chức giáo hội, bài viết chủ trương giản dị, phổ thông, gần gũi quần chúng với các mục về tiểu sử chư tổ Việt Nam, giải đáp Phật học, diễn nôm một số kinh thường tụng. Đặc biệt, hội có nhiều bài viết đề xuất thành lập Hội Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp với mong muốn tập hợp hết thảy tăng ni và Phật tử dưới sự điều hành chung của một Giáo hội duy nhất. 14 năm sau Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời tại Huế (1951).
Từ năm 1937 trở đi, các bài viết của hòa thượng Bích Liên trên Từ Bi Âm ngày càng thưa dần. Từ Bi Âm số 165, ra tháng 09-1939, chức danh chủ bút của HT. Bích Liên không còn xuất hiện. Tại Tam Bảo Chí, vai trò của HT. Bích Liên càng lớn hơn ở Từ Bi Âm. Quá nửa bài viết để bút danh Bích Liên, phần lớn còn lại để bút danh Tam Bảo, có lẽ cũng là của ngài Bích Liên.
Sau khi ấn hành số 8 vào quý 1 năm 1938, Tam Bảo Chí đình bản, với nguyên nhân được cho là thiếu tài chính và người cộng tác.
Kỳ ấn hành này, Huệ Quang đóng tất cả 8 số vào một tập. Nhân đây xin chân thành cảm ơn quý Ni sư chùa Hải Ấn, Sài Gòn, đã cung cấp cho chúng tôi những tờ báo gấp còn khá nguyên vẹn.
Nhân viên thực hiện:
Nguyễn Quốc Sách
Lê Thị Thùy Linh
TM. Thư viện Huệ Quang
08 - 2015
Thích Không Hạnh