Kinh Đại Bát Niết Bàn (Trọn Bộ 8 Cuốn)
Tam Tạng kinh điển của nhà Phật mênh mông như rừng, nhưng tất cả đều có cùng một mục đích là từng bước, chỉ dẫn cho chúng sinh con đường tháo bỏ sự trói buộc của vô minh, phiền não, tham sân si, hầu vượt qua được dòng sinh tử luân hồi, đến được bến bờ giải thoát, hội nhập lại bản thể chân như giác tánh.
Tùy theo tâm bệnh của chúng sinh, mỗi bộ kinh lại nhấn mạnh về một vấn đề, cũng như tùy thuộc vào bệnh của cơ thể mà người lương y cho thuốc đặc chế để chữa trị cho loại bệnh đó. Cho nên, cũng có những bộ kinh đặc biệt để trị bệnh cho chúng sinh ở một giai đoạn nào đó.
Kinh Đại Bát Niết bàn, vì là lời nói sau cùng của Đức Phật, trước khi Ngài nhập Niết Bàn, nên bao quát hầu như đủ mọi thắc mắc của chúng sinh. Vì thời gian có hạn nên lời Ngài dạy rất cô đọng, nhưng minh bạch, rõ ràng. Thí dụ như nơi Phẩm Kim Cang Thân và Phẩm Như Lai Tánh, ngài giải thích cặn kẽ về Chân Ngã hay Phật Tánh, đó chính là bản thể thanh tịnh thường hằng bất biến của tất cả mọi chúng sinh, mênh mông như hư không, thường trụ bất hoại, tuy vậy bản thể ấy không phải tất cả chúng sinh là một, nhưng cũng không phải là khác, vượt ra khỏi tư tưởng suy nghĩ thông thường của đời sống tương đối hiện tượng, cho nên gọi là bất khả tư nghị, tức không thể nghĩ bàn, nhưng chính là cái chân thật của mọi chúng sinh, không phải là cái "tôi" ô nhiễm tham sân si, đầyvướng mắc khổ vui vô thường này. Bản thể ấy tràn ngập khắp nơi nhưng chúng sinh bị trói buộc vì phiền não, tham sân si, bị ô che mờ nên không thấy được. Bản thể ấy luôn luôn sẵn sàng, tịch tĩnh hiện diện, nên gọi là Như Lai.
Bộ kinh Đại Bát Niết Bàn được ngài nói khi sắp thị hiện Niết Bàn. Biết rằng Ngài không còn tại thế để hằng ngày giải đáp thắc mắc cho chúng sinh nữa, nên chư đệ tử đã hỏi và Ngài đã giảng gần như đủ loại vấn đề. Ngài còn dặn kỹ rằng vì phương tiện độ sanh, tùy theo thời điểm và tâm chúng sinh đương thời, nên đôi khi có những lời dạy Ngài phải giản lược, chưa đi tới được rốt ráo, cho nên có những kinh ngài gọi là kinh bất liễu nghĩa. Nay, lời cuối cùng, nơi Phẩm Tứ Y, ngài dặn lại rằng chúng sinh phải y chỉ kinh liễu nghĩa, là kinh với mục tiêu tối hậu, nói về Giác Tánh của chúng sinh, về Trí tuệ bát nhã, chỉ cho chúng sinh con đường hội nhập lại bản thể thường hằng bất biến, giải thoát hoàn toàn.
Bộ Kinh Đại Bát Niết Bàn đề cập đến hầu như tất cả những vấn đề liên quan đến sự tu tập của người Phật tử, vì đây là những lời dặn dò, chỉ dạy cuối cùng của đức Như Lai ngay trước lúc nhập Niết Bàn. Tuy vậy, nếu phân tích một cách đại lược thì có thể thấy kinh này đề cập đến những nội dung chính như sau:
- Làm phát khởi đức tin sâu xa theo Đại thừa, giúp người Phật tử xác định rõ con đường tu tập.
- Nói rõ về sự thường tồn của thể tánh Như Lai, chính là mục đích tối thượng của sự tu tập
- Sự cần thiết phải thể nhận năng lực giác ngộ hay tánh Phật của tất cả chúng sanh
- Mối tương quan cùng tồn tại trong mỗi chúng sanh phàm phu giữa năng lực giác ngộ tiềm tàng và nguy cơ sa đọa vì thiếu đức tin
- Phân biệt rõ giữa những lời dạy chân chánh của đức Như Lai với những tà khuyết sai lầm.
- Nhận thức rõ ý nghĩa các phương tiện thuyết giáo quyền thừa nhằm mục đích dẫn dắt
- Thuyết giảng về cảnh giới giải thoát với các thuộc tính thường tồn, an vui, chân thật và thanh tịnh.
- Thuyết giảng về bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả
- Thuyết giảng về mối quan hệ giữa nghiệp nhân đã tạo và kết quả phải nhận lãnh
- Nhận thức rõ về ý nghĩa thật sự của dòng sinh tử tiếp nối không dừng trong Ba cõi
Ngoài những nội dung chính này, kinh văn còn đề cập đến rất nhiều vấn đề khác trong sự tu tập. Tất cả đều được trình bày sinh động qua các hình thức vấn đáp và biện luận giữa đức phật với các vị trong thính chúng, hoặc được minh họa qua những câu chuyện kể về tình tiết và ý nghĩa liên quan. Một số những câu chuyện này đã được sưu tập vào kho tàng truyện cổ Phật giáo nhưng điều rất thú vị là ít ai biết được chúng có xuất xứ từ kinh này.