Trần Quốc Hương - Người Chỉ Huy Tình Báo
“Bí mật nào giúp người chỉ huy tình báo Trần Quốc Hương sống một cuộc đời can đảm và hoàn thành nhiều nhiệm vụ torng suốt hai cuộc kháng chiến? Ông đã trải qua tù đày cả hai thời kỳ, đã từng làm việc bên cạnh các lãnh tụ của cách mạng Việt Nam: Bác Hồ, các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ… đã chinh phục các trí thức lớn và bạn bè quốc tế. Đời ông cũng chịu nhiều tổn thất lớn. Nhưng lòng tin của ông vào cách mạng, vào con người đã làm nên sức mạnh của chính ông”.
Lời giới thiệu
Năm 2020 cả nước ta kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020). Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố. Đó là sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ; là cuộc chiến đấu dũng cảm, thông minh của toàn quân toàn dân ta trên cả nước, mà nòng cốt là các lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Công an nhân dân.
Với tinh thần “tất cả vì tiền tuyến lớn”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt” và quyết tâm cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, từ năm 1959 đến tháng 4 năm 1975, Bộ Công an đã huy động đến mức cao nhất về lực lượng, hậu cần - kỹ thuật, chi viện hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ; hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược, phương tiện liên lạc, kỹ thuật nghiệp vụ, thuốc men... vào chiến trường; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo An ninh miền Nam về nghiệp vụ công tác an ninh, cảnh sát, nắm tình hình, chống gián điệp, phản động, phá tề ngụy.
Trong cuộc chiến đấu ác liệt này, hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đã hy sinh anh dũng; gần 5.000 đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ An ninh miền Nam bị địch bắt, tù đày tra tấn dã man trong các nhà tù, trại giam của địch hoặc bị nhiễm chất độc da cam; hàng vạn cơ sở quần chúng cách mạng đã thầm lặng đóng góp, cống hiến hy sinh trên khắp các chiến trường và miền Bắc hậu phương lớn.
Ngay từ năm 1955, thực hiện chủ trương của Đảng về chi viện cho cách mạng miền Nam để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước, Đảng đoàn, Bộ Công an đã thành lập Tổ cán bộ miền Nam (sau này là Bộ phận cán bộ miền Nam) chuyên trách công tác lựa chọn, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đồng chí Trần Quốc Hương là một trong số cán bộ đầu tiên được Bác Hồ cử vào chi viện cho miền Nam. Lòng yêu nước, niềm tin vào lý tưởng cách mạng đã tạo cho ông sức mạnh, bản lĩnh vượt qua rất nhiều thử thách, giúp ông kiên cường sống sót qua chế độ lao tù và những âm mưu nham hiểm của kẻ thù.
Đồng chí Trần Quốc Hương (tên thật là Trần Ngọc Ban, có bí danh là Mười Hương), sinh năm 1924, tại xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nguyên Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, là người chỉ huy mạng lưới tình báo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Ông từng làm việc bên cạnh các lãnh tụ của cách mạng Việt Nam như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh…
Đồng chí Trần Quốc Hương được coi như một người chỉ huy góp phần tổ chức hoạt động cho các nhà tình báo huyền thoại như: Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ... Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều chiến công lớn trên trận tuyến thầm lặng.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, dù ở cương vị, lĩnh vực công tác nào, đồng chí Trần Quốc Hương cũng luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên trung của người chiến sĩ cộng sản, luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao. Đồng chí Trần Quốc Hương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống Công an Nhân dân (19/08/1945 – 19/08/ 2020), Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành cuốn sách Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo của nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải. Cuốn sách là dòng hồi ức về cuộc đời hoạt động lập nhiều chiến công gắn với các giai đoạn cách mạng của đồng chí Trần Quốc Hương, đồng thời cũng là nguồn tư liệu lịch sử sinh động, hào hùng minh chứng về sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân trong đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ
-----
“Tôi rất băn khoăn vì viết kiểu gì rồi cũng như hồi ký. Nói lại thì cái hay, cái được dễ nhớ mà cái dở, cái mất thì không nhớ.” Đó là câu trả lời cho câu hỏi: “Vì sao ông không viết lại cuộc đời mình?”.
Ông Mười Hương, sau một cơn bệnh, đi lại khó khăn, nói cũng chậm rãi, nhưng trí óc của ông hình như không mất đi nếp tích cực xuất sắc của nhà lãnh đạo tình báo, một người thuộc lớp đầu tiên chi viện cho kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam.
Giờ đây ông có nhiều điều tự nhìn lại, có ý kiến đánh giá trên nhiều vấn đề của công việc trong quá khứ, các tình huống được nhìn nhận lại một cách thẳng thắn. Người ta có cảm giác nếu ông có viết hồi ký thì đó cũng sẽ là cuốn sách của suy nghĩ, đánh giá về cuộc đời, nhìn nhận về con người nhiều hơn. Nghĩa là đó có thể là cuốn sách nghiêng về tư duy lý luận hơn là các cảm xúc nghiền ngẫm về giai đoạn đời mình.
Ông thường nhìn người bạn nói chuyện với mình và bộc bạch như tâm sự, như có ý muốn biết ý kiến khác của người đó về việc mình đang nói tới. Ý kiến khác phải thẳng thắn, đi vào bản chất. Ông bảo: “Tôi thích “cái” Phu-xích. Ông là nhà lãnh đạo viết tác phẩm lớn ngay trong ngục. Thậm chí tôi thích hơn đọc Giu-cốp, dù tôi cũng mê Giu-cốp lắm.
Nhưng hình như Giu-cốp không nói đến sai lầm khuyết điểm. Tôi không tin chỉ đạo cuộc chiến tranh lớn đến thế lại không có sai lầm, thất bại nào. Có những anh đi đâu thắng đó, nhưng thực tế không thể không có trục trặc.”
Hình như ông muốn tái hiện sự quan sát chứ không muốn tái hiện bản thân. Ông bảo: “Các cán bộ như tôi đã nói hết kinh nghiệm chuyên môn cho ngành muốn ghi lại hết rồi. Không còn có thể nói gì hơn nữa.” Nhưng đối với những người bạn, thậm chí những người trẻ tuổi hơn, câu chuyện đời của những người như ông không thể không hấp dẫn họ. Hấp dẫn ở chỗ họ không chỉ muốn biết các hoạt động mạo hiểm mà thời nay chỉ có trong phim ảnh, họ còn muốn biết những người tình báo đã sống cuộc đời căng thẳng giữa sống chết, mấp mé bên tù đày chém giết, như thế nào. Làm sao lại có thể sống như thế? - Nguyễn Thị Ngọc Hải
Tuổi thơ, gia đình và quê hương
“Mẹ tôi không biết chữ. Làm lụng như một phụ nữ nông dân đi cấy thuê, nhưng bà biết hát ví hay nhất. Như tất cả phụ nữ nông thôn ngày xưa, dù sinh trong gia đình không nghèo lắm, bà cũng không được đi học. Quê tôi ở vùng Hà Nam - Bình Lục đồng chiêm trũng, nghèo lắm. Cả làng tha phương cầu thực. Mùa nước lên, tháng 6, tháng 7 âm lịch chỉ còn đàn bà và trẻ con ở làng. Đàn ông đi làm thuê khắp nơi. Thợ hồ, thợ mộc Nam Định tài khéo có tiếng, ông chú của bố tôi, là bạn của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Ông chú học giỏi nhưng đỗ đạt không cao, được làng xã quý trọng lắm. Bố tôi làm nghề mộc, đóng xe bò rất giỏi, làm việc cho cơ sở Đông Kinh Nghĩa Thục, hiệu Đồng Lợi ở Phủ Lý. Cha tôi là con cả trong nhà, rất có hiếu với cha mẹ. Có một câu chuyện tôi không thể quên: ông làm việc ở Phủ Lý cách nhà 20 km, nhưng khi mẹ đau ốm bệnh nặng, ông sáng đi, tối về, đi bộ hàng ngày 20 km như thế về với mẹ, trông nom chăm sóc mẹ. Mà mẹ đau ốm lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. Ông đi bộ hàng ngày như thế cho tới khi mẹ chết.
Làng tôi có tiếng về phong trào yêu nước của nông dân. Cụ Phan Bội Châu cũng lui tới đó vì sĩ phu ở đó cũng như ông Nguyễn Khuyến, đều không chịu ra làm quan. Phong trào do cụ Phan Bội Châu đề xướng Đông Du, các sĩ phu ở đây cũng cho con cái sang Nhật học khá nhiều, có người còn lấy vợ có họ Hoàng gia bên đó. Một ông cậu tôi làm đốc phu, thành một vị tướng có tiếng của Đề Thám, Tây bắt giam quản chế ở làng. Đến thời kỳ có các phong trào do Đảng Cộng sản lãnh đạo, làng tôi cũng có tham gia và có tiếng trong phong trào bình dân. Người giác ngộ trực tiếp đối với tôi lúc đó là anh Nguyễn Đức Quỳ, sau này là Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Lúc đó anh Quỳ dạy tư, vốn bị tù ở Sơn La, người gốc Bắc Ninh, hoạt động có thời kỳ làm bí thư Ban cán sự Hà Nam. Anh dạy học con cái các ông tham, phán. Anh tự học và giỏi cả ba ngoại ngữ Pháp, Anh, Tàu. Thời kỳ chống Pháp anh là đại diện của ta ở Thái Lan. Một người nữa tên là Rốc, hoạt động dưới vỏ bọc cảnh sát, sau anh làm công tác công vận của Xứ ủyvà bị lộ, giặc đánh anh đến chết ngay trong phòng tra ở Việt Trì. Làng tôi có một lai lịch như vậy, trong bối cảnh xã hội như thế nên tôi được giác ngộ rất sớm.”
Ông Mười Hương thường nhớ như thế về quê nhà. Sau này khi cha mình bị quy là thành phần giai cấp tư sản, địa chủ gì gì đi nữa, ông vẫn tự phân tích bản chất lao động của cha muốn: “Sau này được đọc truyện Gia đình Actamanôp của Macxim Goocki tôi liên hệ thấy yêu lao động là bản tính của cha tôi. Ông đối xử bình đẳng với người ăn kẻ ở trong gia đình. Giỗ Tết, ốm đau ma chay của họ, ông chăm sóc chu đáo nên được người ta thương. Tiếng là chủ, tính chất phong kiến bóc lột nhưng ông sống đạo đức, không để nông dân bị đối xử tàn tệ.”
Sau này khi ông đưa mộ bố mẹ về quê, bà con trong làng nói: Nghe các ông đi cách mạng làm lớn cũng chưa làm được gì cụ thể cho làng. Nhưng ông bà cụ này nếu cái năm đói không đổ thóc nhà mình ra nấu cháo cho làng ăn thì còn nhiều người chết.
Lý lịch của ông Mười Hương là con nhà địa chủ kiêm tư sản, lại có hai thằng con theo giặc (khi ông Mười Hương đi miền Nam hoạt động bí mật, người ta gán cho bố ông là có con theo giặc).
Thời kỳ cải cách ruộng đất gặp nhiều oan trái, cha ông vẫn nói với vợ: Mình chẳng tiếc gì ruộng đất bị tịch thu mất. Nhưng làng quê mà đấu tố nhau thế này thì phong hóa suy đồi rồi. Thằng Mười Hương sau này có về gặp lại thì nói với nó thế!
Tham gia làm báo Đảng ở chiến khu Việt Bắc
Điều kiện công tác đã đưa đến cuộc đời của ông Mười Hương rất nhiều mảng sống khác nhau. Làm ở Đội công tác đặc biệt lo cho Trung ương Đảng thời kỳ trứng nước. Hoạt động văn hóa, quen rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức lớn. Và công việc cũng đưa ông gắn liền với sự ra đời của những tờ báo Đảng trong những năm đầu. Chính Tổng Bí thư Trường Chinh và ông Nguyễn Lương Bằng giao cho ông Mười Hương đi tìm địa điểm cho tờ báo, cho nhà in, tìm những nhà in nào có thể đưa in báo. Nhiều khi ông phải lo cơ sở vật chất mà không được giao một xu.
Báo chí ngày ấy là một dẫn chứng sinh động nhất cho việc đóng góp quan trọng vào cuộc kháng chiến. Ngày 10 tháng 10 năm 1942 Thường vụ Trung ương quyết định xuất bản số 1 báo Cờ Giải Phóng. Những tờ báo ban đầu có khi chỉ vài lãnh tụ trực tiếp viết. Những tên tuổi như Trường Chinh, Lê Quang Đạo, Lê Liêm, Lê Toàn Thư... không chỉ là cán bộ lãnh đạo của Đảng, mà còn là những cây bút đóng góp bằng tất cả sự sáng tạo, lòng yêu đất nước, cất lên tiếng nói sắc sảo của thời kỳ đấu tranh cách mạng. Họ dùng tờ báo làm vũ khí sắc bén để tuyên truyền, vận động, tổ chức và lãnh đạo đấu tranh cách mạng.
Là một người có tham gia lo cho công việc ra báo của Đảng những năm đầu cách mạng - một nội dung của cán bộ Công tác đội, nên ông Mười Hương gần như “một người trong giới báo chí”. Ông biết khá rõ công việc ra báo Đảng như thế nào, vì cơ quan in ấn thường được Công tác đội bố trí ở sát bên Thường vụ Trung ương. Cơ quan in bí mật của Trung ương được chuẩn bị từ khi Đảng còn hoạt động công khai thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Nhưng việc in ấn tài liệu từ thời bí mật không có hội nghị phổ biến nghị quyết mà chỉ do hệ thống giao thông bí mật chuyển đi, cho đến khi Đảng có cơ quan in ấn, nỗi khó khăn luôn chồng chất. Đảng không có tiền, cho nên ngay khi gọi là cơ quan in ấn có máy móc rồi cũng vẫn trông vào sự ủng hộ của nhân dân. Từ chỗ in bằng thạch, bằng đất sét, bằng đá hoặc giấy nến cho đến khi xuất bản số 1 các tờ Cứu Quốc và Cờ Giải Phóng, “nhà in” báo Đảng phải chạy giặc bao phen. Báo Đảng năm 1943 lấy tên là Cứu Quốc - tờ báo là cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh, do trực tiếp Tổng Bí thư phụ trách.
Cơ quan in báo Đảng thời đó không có trụ sở tòa báo bao giờ, mà địa điểm của nó nghe thật khiêm nhường và rất đặc trưng cho hoạt động của Đảng trong lòng dân. Cơ quan in báo Đảng lúc đầu đặt tại nhà bà Hai Lân ở làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông. Nếu giở tờ báo Cứu Quốc hoặc Cờ Giải Phóng sẽ thấy ghi tên nhà in Phan Đình Phùng và Trần Phú. Nhưng ngày nay, với tất cả các phương tiện in ấn hiện đại, hoặc ngay những thời kỳ trước đây, không ai có thể hình dung ra “nhà in” của báo Đảng chỉ là một cơ sở gọn nhẹ có ba người. Phương cách kỹ thuật cũng chỉ in ly-tô như cách thời đó in các tài liệu, truyền đơn. Những phiến đá mỏng được mài sạch, viết chữ ngược bằng mực đặc biệt, rồi đặt từng tờ giấy nhỏ, hẹp lên trên, rồi dùng con lăn in ra từng tờ.