Các nghiên cứu trong sách này được tiến hành độc lập song chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của Tự Lực văn đoàn trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông - Tây, thuộc địa - chính quốc, truyền thống - hiện đại, trong tình thế thuộc địa ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Các nghiên cứu cũng thống nhất trong việc chú trọng sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành để tiếp cận báo chí, văn chương và các hoạt động xã hội của Tự Lực văn đoàn. Tất cả hướng tới việc làm nổi bật vai trò và vị thế của Tự Lực văn đoàn: vượt ra bên ngoài biên giới văn chương, Tự Lực văn đoàn hiện diện như một nhóm phái có tư tưởng xã hội, hoạt động tích cực và tạo ảnh hưởng rộng rãi tới đời sống văn hóa - xã hội - chính trị ở Việt Nam lúc đương thời và về cả sau này.
Tự Lực không phải là nhóm duy nhất nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại. (Hoàng Xuân Hãn)
Tự Lực Văn Đoàn họp những người đồng chí trong văn giới; người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương. (Tự Lực văn đoàn)