Trích Ba người yêu nhau
Người thứ hai đang yêu.
Anh có đôi mắt đẹp. Đó là cảm nhận ngay tức khắc của tôi khi nhìn thấy anh. Đó cũng là lần đầu tiên gặp gỡ chớp nhoáng, chưa đầy hai phút của chúng tôi.
Đó cũng là suy nghĩ của Phượng, cô kế toán trường cấp hai gần ngân hàng nơi tôi làm việc. “Về sau, những lúc an ủi anh ấy, nhìn anh ấy khóc vì buồn nhớ..., em mới nhận ra là mắt anh đẹp lắm!”. Vậy nên, mặc cho bây giờ tôi sống ảm đạm thế nào, tôi vẫn luôn nghĩ về Phượng với lòng biết ơn vì cô ấy đã đưa anh đến cuộc đời tôi.
Anh phụ trách phòng thí nghiệm trong trường, là nhân viên hành chính giống như Phượng. Từ lúc bắt đầu mang thai đứa con đầu lòng, mỗi lần có việc đi ngân hàng, Phượng thường nhờ anh chở đi giùm. Phượng nêu lý do rất dễ thông cảm: “Có người đi chung, lại là đàn ông cho nó yên tâm ba cái vụ ôm tiền triệu chạy nhong nhong ngoài đường. Lỡ bị kẻ xấu giựt giỏ, biết lấy gì đền?”
Tôi nhìn thấy anh trong lần đầu tiên ấy là chuyện rất tự nhiên. Làm xong thủ tục, Phượng ra về, để quên cái nón trên bàn của tôi. Thấy tội nghiệp bà bầu nặng nề phải leo trở ngược lên lầu, nên tôi thò đầu ra cửa sổ gọi Phượng rồi cầm cái nón, đi như chạy trên từng bậc thang. Xuống tới lề đường, Phượng rối rít cảm ơn tôi, và giới thiệu tôi với người đàn ông đang loay hoay đạp máy xe. “Anh Tuấn làm chung trường với em đó”.
Chúng tôi lịch sự chào nhau, đúng phép xã giao giữa hai người xa lạ cùng quen biết chung một người. Và tôi nghe tim mình nhảy thót lên, vì đôi mắt dài, mở to với hàng mi dày như con gái của người đàn ông ấy.
Tôi bắt đầu trông ngóng những lần Phượng đến ngân hàng. Lúc đó, tôi tìm đủ cách để nhìn qua cửa sổ xuống lề đường, tìm cái bóng mát có người đàn ông đang đợi Phượng. Tôi chỉ thấy cái lưng khòm khòm, đôi chân dài ngoẵng thả từ yên xe xuống đất mà đầu gối vẫn cong như đang ngồi trên chiếc ghế thấp lùn ở quán cóc lề đường. Đó là hình ảnh của chàng trai lý tưởng từ thuở tôi bước vào tuổi biết mộng mơ, và biết mình không đẹp gái.
Một bữa, tôi giả vờ vô tình hỏi về anh. Phượng vô tư kể. Anh nhỏ hơn tôi một tuổi, với đàn ông thì cũng đã xếp vào loại hơi trễ tuổi lập gia đình. Ôi! Tôi thấy lóe lên mấy tia hy vọng. Hôm đó, tôi chuyển cho Phượng toàn những tờ tiền mới cứng, sạch sẽ, thơm mùi mực. Từ giờ đến lúc Phượng nghỉ hộ sản, nhất định, tôi sẽ có một vài cơ hội...
Cứ như biết được lòng dạ của tôi, lần công tác kế tiếp, Phượng đã tự kể, không chờ tôi dò hỏi. Anh có người yêu lâu rồi. Cô đó là nhân viên thư viện trong trường. Nhưng mà họ cứ dùng dằng mãi, lùi không được, tiến không xong vì nàng đang chờ đi xuất cảnh, diện đoàn tụ gia đình. Hình như, vừa nói, Phượng vừa kín đáo quan sát tôi. Lông mày tôi nhăn nhíu khi vừa nghe thông tin đầu tiên “đã có người yêu”. Nghe tới thông tin thứ hai “khó làm đám cưới”, ánh mắt tôi đang u tối chợt long lanh trở lại. Tôi cố giữ vẻ thản nhiên, nói bằng giọng bình thường như nghe chuyện nhỏ nhặt linh tinh ngày nào cũng có: “Vậy sao?”.
Chưa có chồng, nhưng tôi đâu còn là một cô gái trẻ vụng dại. Hãy từ từ! Đừng để con nhỏ Phượng khôn lỏi này thao túng điểm yếu của mình. (Chuyện đó sớm muộn gì cũng phải xảy ra. Tôi thích anh quá mà!) Bây giờ thì hơi sớm. Không nên vội vàng hấp tấp, không tốt chút nào.
Thực tế là tôi không có một lợi thế nào để bám víu.
Không trẻ trung, kém xinh xắn, không có điều kiện tiếp xúc thường xuyên mỗi ngày với anh như “cô kia”. Nhưng tôi biết rõ một điều. “Cô kia” dứt khoát phải rời xa anh, đường đi xa lắc, trắc trở ngút ngàn, mà không biết khi nào mới được gặp lại. Điều kiện tiền bạc, thủ tục giấy tờ sẽ làm khó họ, dai dẳng biết mấy năm trời đằng đẵng. Họ có thể chờ đợi nhau tới bao giờ? Một năm? Năm năm? Mười năm?
Tôi không muốn chờ với họ. Tôi nhất định phải lấy được anh làm chồng.
Trích Mỗi người có một cái nhà riêng
Thì... tính chuyện gia đình con cái với Liêm đó.
Sau một thời gian giấu diếm không dài, Tuyến với Liêm đã công khai yêu nhau nửa năm nay rồi. Ảnh đại diện trên phây búccủa Liêm đã thay bằng hình chụp cái mặt hai đứa đang chu môi, liếc mắt đưa tình với nhau. Trong trường, Ban Giám hiệu, công đoàn, phòng hành chánh, phòng y tế, thư viện, các tổ chuyên môn biết hết rồi, ngay cả nhân viên bán căn tin cũng biết luôn. Mấy ông sồn sồn thích tỏ ra ta đây hào hoa, phong nhã suốt ngày tán tỉnh, đùa cợt chớt nhả anh yêu, em yêu với Tuyến cũng đã im tiếng hết rồi. Mấy cô, mấy chị thì gặp mặt là cứ hỏi mãi một câu thay cho lời chào: “Chừng nào đám cưới?” Hỏi theo thói quen vậy thôi, ai cũng biết Tuyến còn vướng bận đứa em này. Ngành học của nó không bình thường bốn năm như người ta, mà phải tới năm năm mới tốt nghiệp.
Thì... Liêm cũng vậy.
Căn hộ chung cư đang xây cất của Liêm gần trung tâm thành phố hơn, đắt tiền hơn nhà Tuyến gấp mấy lần, có tới hai phòng ngủ. Chưa nhận bàn giao nhà, Liêm đã sắp xếp mình sẽ ở phòng ngủ chính, còn phòng phụ, nhỏ hơn, bên trong không có nhà vệ sinh, để cho đứa em gái ở tạm, nó sắp lấy chồng. Liêm dọn về nhà mới được một tháng, cũng là một tháng bận tối mắt tối mũi tổ chức đám cưới cho em gái.
Nghĩ tới chuyện để đứa em, mới lấy chồng, phải đi mướn nhà trọ xập xệ trong khi nhà mình hai phòng tắm, thừa chỗ ngủ, Liêm thấy mắt mũi cay cay, cổ họng nghẹn ngào. Thôi thì cứ để vợ chồng nó ở tạm ít lâu với mình cho yên tâm, mà cũng giúp tụi nó đỡ hao hụt phần nào số vốn liếng ít ỏi ban đầu. Mình đã lấy vợ đâu mà sợ chuyện chị dâu em chồng không hòa hợp rồi đụng chạm, mích lòng? Tuyến vẫn đang làm chủ hộ ở nhà của Tuyến kia mà. Tuyến vẫn ngày ngày đi về, tắm rửa, ăn ngủ tại nhà của Tuyến như bình thường.
Tuyến chỉ sang nhà Liêm đúng một lần. Là cái hôm Liêm làm bữa tiệc tân gia nhỏ gọn với mấy đồng nghiệp lần trước từng tới ăn mừng nhà mới của Tuyến. Bữa đó, nhỏ em của Liêm bận đi phát thiệp mời đám cưới, Liêm kẹt giờ ở lớp dạy thêm sẽ về hơi trễ, nên Tuyến thay mặt chủ nhà đón khách cho đúng hẹn. Nhìn Tuyến loay hoay mở khóa cửa, mọi người cười cười chọc ghẹo. Mở cửa nhà Liêm có khó hơn mở cửa trái tim của Liêm không hả Tuyến.
Liêm hơn Tuyến một tuổi tính theo năm sinh, còn tính theo tháng thì chỉ lớn hơn có bốn tháng mười ngày. Hai đứa không mang giày dép, đứng gần nhau sẽ nhìn thấy rõ ràng Liêm thấp hơn, cỡ chừng hai đốt ngón tay. Liêm thích Tuyến trước, lâu rồi, từ ngày hai đứa còn sinh hoạt đoàn. Tuyến chỉ bắt đầu chấp nhận những lời nói ân cần ngọt ngào, những cử chỉ, thái độ quan tâm, quyến luyến của Liêm cũng rất lâu về sau, sau khi: “người trong mộng” của Tuyến đưa bạn gái đi du lịch hè chung với cả trường.
Bây giờ hai đứa yêu nhau, hai đứa đều sắm nhà riêng, mọi người lại băn khoăn, thắc mắc: “Lấy nhau rồi, ai sẽ ở nhà ai? Chẳng lẽ, nhà ai nấy ở? Ăn uống, ngủ nghê thế nào?”. Người đoán mò: “Chắc Tuyến sẽ bán nhà”. Người nói chắc nịch, y như chuyện đã xảy ra rồi vậy: “Thì Tuyến dọn qua ở nhà Liêm. Nhà Tuyến cho thuê, coi như mỗi tháng có thêm mấy tháng lương cơ bản. Sướng quá cha người ta rồi”.
Mọi người có nói gì gì đi chăng nữa thì cũng chỉ là người ngoài cuộc. Tuyến bán nhà, cho thuê nhà thì em Tuyến ở đâu? Nó còn đi học mấy năm nữa mà. Đương nhiên, nếu cưới nhau rồi, Tuyến sẽ ở nhà Liêm, ngủ chung với Liêm trong cái phòng lớn có phòng vệ sinh, bồn tắm đứng. Nhà Liêm có hai phòng ngủ, nhưng hai vợ chồng sẽ không ai có được phòng riêng (như Tây) cả. Đứa em của Liêm lấy chồng hồi đó, bây giờ sắp sinh con và đã li dị. Giống như Tuyến, Liêm cũng nuôi em ăn học. Con nhỏ này không thích học, chỉ thích yêu đương, lại còn quyết chí lấy cho bằng được “cái thằng” mà gia đình không đồng ý. Nó dại nên nó khổ, nhưng người thân trong nhà làm sao bỏ mặc nó cho đành? Liêm tiếp tục nuôi em, nuôi cả đứa cháu sơ sinh, chờ con nó cứng cáp rồi tính.
Vậy đó. Tuyến có đứa em chờ ngày học xong rồi tính. Liêm có đứa em chờ ngày con nó lớn rồi tính. Trong khi chờ đợi, hai đứa tiếp tục làm lụng, nuôi em.Trong khi hai đứa chờ đợi nhau hoàn thành nhiệm vụ người anh, người chị, thì đặc thù giới tính lại không chờ Tuyến.
Liêm bàn tới: “Thôi kệ, cứ đám cưới đại cho rồi, cho sớm để còn kịp tuổi sinh đẻ. Phụ nữ lớn tuổi có bầu gặp nhiều nguy cơ đáng sợ lắm”.
Tuyến bàn lui: “Đứa nào cũng nặng gánh gia đình riêng. Sợ lấy nhau rồi suốt ngày cắng đắng, bất hòa vì cứ mạnh ai nấy lo cho em, cho cháu mà lơ là, bỏ mặc vợ, chồng của mình. Mà nếu cả hai cùng chung sức lo cho mấy đứa em một lượt, thì sớm muộn gì cũng ngán, cũng chán nhau thôi”.
Biết tính sao giờ? Phần Liêm ít khó xử hơn. Em gái sau cú vấp ngã tình trường đã chịu nhận mình nông nổi, thiếu chín chắn. Nhưng dù nó có ẵm con đi chỗ khác, có công ăn việc làm ổn định, thề hứa từ nay không ăn bám ở nhờ anh nó nữa, thì thằng anh vẫn sống một mình trong căn nhà có hai phòng ngủ, vẫn chưa thể lấy được vợ. Bởi lẽ, người vợ chưa được cưới ấy, trong vòng bốn năm sắp tới đây, vẫn đang chăm chú bảo bọc một đứa em cần ăn học nên người.
Bởi vậy, Liêm quyết định mở lời trước.
Lúc nói, giọng Liêm nghẹt nghẹt giống như khóc. Tụi mình thôi đi. Chia tay cho xong. Chuyện này cũng đâu có gì ồn ào, đâu có gì thay đổi. Vẫn nhà ai nấy ở, chuyện nhà ai người nấy tự lo, em ai người nấy tự thương. Tuyến ngồi trước mặt nói: “Ừ cũng được” mà tránh không nhìn vào mắt Liêm.
Ai hỏi Liêm tại sao chia tay, Liêm cười xa vắng: “Tại vướng quá. Tại đuối quá”.
Bây giờ, mỗi ngày đi qua nhau trong trường, hai đứa cười chào bình thường, như đồng nghiệp chào đồng nghiệp, lịch sự, hòa nhã đúng chất xã giao cho phải phép.
Hết yêu, nhưng đâu có hận oán gì nhau. Đâu có ai đóng vai kẻ xấu làm ai đau lòng. Đâu có ai đóng vai người bị hại, bị phụ bạc, ruồng bỏ. Biết vậy, nên mọi người chung quanh cũng cố gắng tế nhị, không ai trách móc hay góp ý cho Liêm hoặc Tuyến: “Tụi nó thật sự không đứa nào có lỗi”. Họ giữ im lặng với mong muốn cả hai người sẽ nhanh chóng tìm được người yêu mới.