Nhật Ký Kẻ Mị Tình là một tác phẩm kỳ lạ, độc đáo vô song. Nó là tiểu thuyết của một triết gia. Một truyện tình. Một bi kịch. Một tự truyện hư cấu.
Trong lời giới thiệu cho Nhật ký này, nhà văn lừng danh John Updike nhận xét: “Trong nền văn chương bao la của tình yêu, Nhật Ký Kẻ Mị Tình là một kỳ thư mê lộ - một vận dụng trí tuệ cuồng nhiệt để tái dụng một thất bại sắc tình thành một thắng lợi giáo huấn, một thương tích đeo lấy mặt nạ của một niềm kiêu hãnh.”
Dường như ai cũng muốn xem thiên này như là tự thú của Kierkegaard về quan hệ tình yêu với nàng Regine xinh đẹp. Nàng nhỏ hơn ông mười tuổi, ông chính thức hứa hôn rồi hủy hôn ước trong vòng một năm sau.
Tuy nhiên, nhân vật Johannes, kẻ mị tình ấy dù có giống Kierkegaard ở mức độ nào đó, phương diện nào đó thì vẫn là một nhân vật hư cấu mà Kierkegaard tạo ra để phát ngôn cho lối sống đam mê hiếu cảm (còn gọi là cuộc sống hiếu mỹ). Nhân vật này có triết lý “hiến mình cho lạc thú nhục cảm”, có mưu mô tính toán khi săn đuổi nàng Cordelia, xem nàng như con mồi. Vì thông minh, Johannes biết cách biện minh, và cũng ý thức được cuộc đời phù phiếm, lạc thú ngắn ngủi, tuổi trẻ là mộng mị, làm gì thì cũng hối tiếc mà thôi, vô vọng mà thôi.
...Kẻ mị tình sẽ “hồi khởi” lạc thú tận hưởng mùi hương trinh nữ ở một cô gái khác cho đến khi chính bản thân anh ta rã rời, tuyệt vọng.
Chân dung kẻ mị tình và nạn nhân của nó được soi chiếu qua nhiều góc độ khác nhau: từ tự sự đến trữ tình triết lý, từ thơ ca đến huyền thoại, từ cái bi đến cái hài, từ cái phổ quát đến chủ thể tính...
Chính vì thế mà Nhật Ký Kẻ Mị Tình của Kierkegaard có tầm vóc của một huyền thoại trong nền văn chương vô tận của Tình.