Ca Dao Giảng Luận
Ca dao gồm đủ ba tánh cách dân tộc, đại chúng và khoa học là ba đức tánh tất yếu của một nền học thuật chơn chánh, tự đặt lấy nhiệm vụ phụng sự dân tộc, nên trải qua một cuộc hưng vong, bao nhiều triều đại và thế hệ đã qua, vẫn còn sống mãi cùng dân tộc, phản chiếu đức tánh của dân tộc một cách trung thành.
[…]
Với nội dung phong phú và tánh cách dồi dào ấy, ca dao không thể nào dò theo khuôn tập của văn học ngoại lai, hay là lặp lại những công thức, những câu sáo, học lóm với nước ngoài. Ca dao muốn có tác dụng thực tiễn và muốn làm tròn phận sự đối với dân tộc cần phải đặt theo những nguyên tắc khoa học sơ đẳng, những nguyên tắc bắt buộc phải quan sát thực tế và diễn tả đúng sát thực tế.
CA DAO được các nhà trí thức Việt Nam xem như là một thể văn đặc sắc hơn hết và có đặc tánh Việt Nam hơn hết. Đã có những thiên khảo cứu tổng quát và riêng biệt xuất bản trước đây, nhiều bộ sưu tập được soạn thảnh. Sở dĩ có ưa chuộng như vậy là vì người ta muốn đem thể văn truyền miệng, nặc danh ấy, nó phản ảnh cuộc sống hằng ngày của dân tộc Việt Nam, và nhứt là của lớp dân đen, để đối chọi với thể văn bác học viết bằng chữ Hán, và cũng để đối chọi cả với truyện viết bằng thơ Nôm. Thật vậy, văn bác học và truyện bằng thơ đã chịu ảnh hưởng văn phẩm Trung Hoa sâu xa và không biểu thị được tinh hoa của nếp sống và của tư tưởng dân tộc Việt Nam.
Sở dĩ những văn phẩm bình dân được có giá trị cũng như văn phẩm cổ điển hay văn phầm phổ quát, là vì văn phầm diễn đạt những tình cảm con người có thể thừa nhận được ở khắp các thời đại và ở khắp nơi nơi. Trong mọi xã hội, dưới mọi chế độ, dốt nát, tàn bạo, tham nhũng, kiêu căng, gian quyệt... vốn bị tinh thần bình dân nhạo báng hay công kích, bởi chánh vì bình dân bị đàn áp dưới những tai ách ấy, những thật thể sống động ấy. Cho nên bình dân xét mình lại, tạo lấy một cách nói trong đó người ác bị nhục mạ - họ nhạo báng tất cả những ai không đáng kính nhường.
Tuy nhiên, mặc dầu đề tài khảo luận khó khăn, ông Thuần Phong đã biết kết cấu một thiên trình giải minh bạch và tổng quát về Dân ca Việt Nam, ông có cống hiến thêm vài yếu tố mới (ca dao miền Nam, ca dao mới đặt). Yếu tố mới ấy không có mặt trong những thiên trình giải trước đây của Hoa Bằng, của Thanh Lãng, của Phạm Quỳnh... Quyển sách của ông vốn hữu ích cho việc nghiên cứu văn chương bình dân của Việt Nam.
- Nhà nghiên cứu Maurice Durand
Về tác giả - Thuần Phong
Năm 1957, ông được Hội Encyclopaedia Britannica ở Luân Đôn (Anh) mời cộng tác. Nhận lời, ông gửi bài "Khảo cứu về thành phố Sài Gòn” và được đăng vào bộ từ điển của hội.
Năm 1964, quyển Ca dao giảng luận của ông đã được nhà nghiên cứu Maurice Durand lược trình và bình luận trong bộ sách của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Cũng trong năm ấy, ông được tổ chức Nghiên cứu Việt học của Trường Đại học Sorbonne (Pháp) mời tham gia Dự án Nguyễn Du (Projet Nguyễn Du) để chuẩn bị cho cuộc lễ kỷ niệm 200 năm "năm sinh Nguyễn Du” (1965). Nhận lời, ông gửi thiên khảo luận "Nguyễn Du et la Métrique populaire" (Nguyễn Du với thể dân ca) và được đăng vào bộ sách Mélanges sur Nguyen Du (Tạp luận về Nguyễn Du). (theo Wikipedia)
Ông cũng là tác giả của công trình đặt tên đường phố Sài Gòn vào năm 1956.