Lời tác giả
Thưa quý độc giả thân mến!
Tập tản văn mang tên Sắc hương bên thềm cũ như những mảnh tình được ghép lại sau một chặng đường dài từ khi tôi sinh ra, lớn lên, rời xứ đi lập nghiệp cho đến khi quay trở về quê hương sinh sống. Tôi đã gửi hết cả ân tình và tâm hồn qua những bài viết được cô đọng lại bằng câu từ trong từng món ngon của quê hương mình.
Bên cạnh đó, qua cuốn tản văn này quý độc giả sẽ cùng tôi đi qua hoài niệm về những chuyến hành trình trên quê hương Bến Tre hay đâu đó ở xứ sở miền Tây hào sảng.
Ngoài ra, tôi cũng gửi vào đây chút thơ tình viết vội như một lời thương cảm cho bản thân mình trong những ngày mới trở lại quê hương.
Nhưng lòng đất mẹ đã ôm lấy và bao dung khi tôi trở lại quê nhà. Trong thoáng chốc bùi ngùi của những hôm đi làm về giữa khuya thanh vắng, hay một nỗi nhớ nào chợt thoáng qua bâng quơ, tôi lại bắt đầu viết. Tôi kiên trì viết qua chừng đó năm dài.
Để rồi hôm nay cuốn tản văn Sắc hương bên thềm cũ lại được tỏa hương, khoe sắc, ngào ngạt hương bồng bên thềm cũ nếp nhà xưa nơi tôi lớn lên để gửi đến quý độc giả mến yêu.
Quách Duy Thịnh
----
Trích đoạn Về Bến Tre ăn bánh xèo nấm mối
Ở quê tôi, người ta biến tấu nấm mối thành nhiều món ăn khá ngon. Đơn giản thì nấm xào thô với muối, chút đường làm ai thử qua một lần cũng khó quên. Rồi thì nấm om nước cốt dừa, lá cách, ăn với cơm trắng, canh nấm mối rau tập tàng nấu tôm sông ăn những lúc trời mưa rả rích...
Nhưng hôm nay chị Hai nói “Thôi làm bánh xèo nấm mối ăn cho lạ miệng”, bởi cũng lâu rồi...
Bánh xèo nấm mối là sự kết hợp của vỏ bánh pha bằng bột gạo với nghệ và lòng đỏ trứng gà. Nhân bánh phải có đậu xanh, thịt vịt bằm nhuyễn, ít giá, củ sắn. Nhưng quan trọng nhất là nấm mối được xào sơ qua chảo nóng thêm ít gia vị.
Miếng bánh vừa chiên giòn tan trong vòm miệng, ngọt lừ vị nấm mối, béo ngậy của đậu xanh, mặn mà của thịt vịt cùng nước chấm chua ngọt thêm ít tỏi ớt thì còn gì bằng trong những ngày mưa dầm tháng Bảy.
Chị cũng không quên ra sau nhà hái ít đọt đinh lăng, lá lụa, lá cách để ăn kèm cùng bánh xèo. Thứ món ngon đồng quê ăn kèm những loại rau quê dễ tìm nhưng rấtđậm đà, dậy mùi khó tả. Rau ăn kèm với bánh xèo nấm mối được xem như một cặp đôi chỉnh chu trong cuộc tình ăn uống.
Thứ béo ngậy từ dầu mỡ được quyện vào trong lớp áo xanh mát rượi rồi tắm trên chén nước chấm có chua, có ngọt, có cay mới thấy việc ăn uống hay thử một chiếc bánh xèo nấm mối như thế này là một sự trải nghiệm hiếm gặp cho bao kẻ lữ hành.
-----
Trích đoạn Rễ tranh, ngọt lành nước mát đồng quê
Rễ tranh mang về bỏ bớt râu ria bên ngoài, rửa thật sạch thì nấu được. Thời đó đường phèn khá mắc nên nhà tôi thường chỉ nấu rễ tranh với lá dứa và nước mưa để làm nước uống. Nhưng như thế cũng đủ có một nồi nước ngọt. Vị ngọt thanh, mát từ miệng lan tới cổ họng.
Cái ngọt nhẹ nhàng làm lưu luyến người uống, nhưng chúng tôi thì biết gì mà thưởng thức. Cứ nấu xong thì uống. Miệng uống liên hồi cho đến khi no nê thì thôi.
Giờ lớn lên, những loại thức uống đóng hộp được bày bán khắp tận cùng ngõ hẻm, nên chẳng ai còn lưu tâm đến những thứ quà quê ấm áp thanh nhiệt vào những ngày hè như thế này. Nhưng với tôi, đó là cả một kỷ niệm.
Bởi hình bóng cây dừa, dòng sông uốn lượn chảy dài trong tiềm thức. Và một ly nước rễ tranh thơm mùi lá dứa cũng đủ làm ta như trở lại những ngày của vũ khúc bình yên.
----
Trích đoạn Trái chùm ruột cuối mùa
Nhưng sau hè, sừng sững một góc chùm ruột trĩu quả mà không ai để ý. Cho đến khi sự lụi tàn đã vượt ngưỡng của bao loài cây cối quanh vườn. Cây chùm ruột lại nổi lên giữa mùa hạn hán như làm giải tỏa cơn nóng bức ngày hè, mang luồng gió mới thổi vào từng tâm hồn già nua, để rồi tuổi thơ về như một sáng bình minh vừa tươi vừa đẹp, thắm sắc, thắm màu.
Thôi quên chuyện nắng nóng vỡ đầu. Ta lại tìm về chút chua thanh, chua chát, chua mặn của trái chùm ruột vào độ cuối mùa. Tuổi thơ nào khi lớn lên từ những miền quê chắc cũng một lần thử qua trái chùm ruột bằng nhiều cách khác nhau.
Có khi một que mứt chùm ruột ăn thiếu của bà Chín trong căn tin chỉ có giá một trăm đồng. Hồi đó, nghèo gì mà nghèo rớt mồng tơi. Tuổi thơ đi qua với hai trăm đồng được nội cho đến trường. Nên muốn ăn bất cứ thứ gì trong giờ ra chơi cũng đã từng là một quyết định hết sức khó khăn.
Năm tháng lớn lên lại có dịp đi học người ta cách làm mứt chùm ruột. Mai này có dịp làm thử vài chảo, sên đường cho kẹo, bỏ chút vỏ tắc, thêm chút muối để ăn cho đã đời. Mà lúc dùng nắp mái nước mưa ép trái chùm ruột cho ra chất chát, chắc sẽ là lúc mình chần thật chặt, ép thật mạnh để trả thù nỗi thèm thuồng một que mứt chùm ruột vừa dẻo, vừa thơm, vừa chua, vừa ngọt ngào thanh tao của một thời tuổi thơ đã qua.
Riêng cô thanh tú nào với nét đoan trang, hiền thục chờ đến cuối mùa chùm ruột, trái vàng ươm, chín mọng chắc cũng mừng ra mặt. Cách nhanh nhất để giải tỏa cơn thèm chắc là mang đi đâm tỏi, ớt, mắm đường. Cái tay cô gái luyến thoắt, nhanh như chớp, mắt nháy liên tục, khuấy đều tô chùm ruột mắm đường mà kiềm lòng không đặng.
Món này vừa nhanh, vừa gọn, vừa chua chua, ngọt ngọt của đường cát, vừa thơm mùi nước mắm, lại cay của ớt hiểm đỏ lè.
Còn cách nhanh nhất mấy ông bợm nhậu, hay kẻ chân tình mời rượu làm sương sương là qua nhà anh Tám mua một xị rượu rồi đi thẳng ra gốc chùm ruột ngồi nhậu. Ba ông ngồi nhậu mà có bảy trái chùm ruột, nhậu hoài không hết.
Câu chuyện này không biết có thật không nhưng được tam sao thất bản, cuộc vui nào cũng kể. Có chăng là người ta mượn hình ảnh trái chùm ruột để gọi tên hai chữ hào sảng của người miền Tây.
Đêm khuya kể chuyện trái chùm ruột cuối mùa mà lòng cũng dậy sóng. Nói ra rồi, viết mấy chữ trời cũng hạ nhiệt về đêm, con người tự dưng cũng khoan khoái trong lòng. Trái chùm ruột lại trở về ru ngoan giấc trong từng khoảnh khắc đẹp hay trở về trong tâm trí xao động giữa canh khuya mà làm lòng người không sao yên giấc.
Để nhớ hoài, nhớ mãi chuyện hồi xưa.