Bộ sách “Nghiên cứu Hồ Chí Minh - Một số công trình tuyển chọn” được kết cấu thành ba tập. Tập 1 tập trung vào những vấn đề chính trị, tư tưởng, tổ chức. Tập 2 là những chuyên luận về văn hóa, đạo đức, xã hội. Tập 3 đi sâu làm rõ những vấn đề đổi mới, hội nhập và phát triển.
Mỗi tập có nội dung cụ thể bám sát vào chủ đề, nhưng nhìn chung, cả ba tập là một chỉnh thể thống nhất về tư tưởng Hồ Chí Minh với ý nghĩa là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam và cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Gắn kết cả ba tập sách, người đọc có thể nhận thấy trục xuyên suốt của bộ sách bắt đầu từ nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về tư tưởng Hồ Chí Minh và cuối cùng là tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi.
Tập 1 làm rõ đường lối cách mạng Việt Nam: Giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản với nội dung cụ thể là giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Tác giả phân tích toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc thuộc địa và cách mạng giải phóng dân tộc; về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tác giả phân tích Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Những nội dung về hệ thống chính trị, trong đó có xây dựng Đảng trong điều kiện cầm quyền; về xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại được trình bày khá đầy đủ, hệ thống.
Tập 2 bắt đầu bằng việc nêu rõ Nghị quyết 24C/18.6.5 của Khóa họp lần thứ 24 Đại hội đồng UNESCO ở Paris, từ ngày 20-10 đến ngày 20-11-1987, về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam. Trên cơ sở đó, công trình làm rõ những khía cạnh văn hóa cụ thể và vai trò của văn hóa trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Cùng với lĩnh vực văn hóa, các vấn đề về đạo đức, xã hội với những nội dung mới mẻ như an sinh xã hội, giá trị trường tồn của văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh trong lòng nhân loại tiến bộ được tác giả khai thác và phản ánh đậm nét.
Tập 3 là những nội dung khá rộng và mới, hầu như chưa được đề cập nhiều trong các giáo trình và cũng ít xuất hiện trong các sách chuyên khảo về Hồ Chí Minh của các tác giả trong và ngoài nước. Công trình cho thấy rằng, nhìn xuyên suốt từ tác phẩm Đường kách mệnh đến Di chúc, nói rộng ra là từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến tận cuối đời, sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước của Hồ Chí Minh luôn luôn đổi mới, hội nhập và phát triển. Sự nghiệp cách mạng đó thể hiện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, với trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm cao trước nhân dân, Tổ quốc và nhân loại của Hồ Chí Minh, một con người cả cuộc đời vì nước, vì dân, không dính líu gì với vòng danh lợi.”
(Trích: Lời giới thiệu của GS. TS. NGƯT. Mạch Quang Thắng)