Biên cương nơi anh ngã xuống
Bức điện cuối cùng từ đồn Pha Long
Lịch sử ngành Thông tin cơ yếu Quân đội không thể quên những bức điện vĩnh biệt đồng đội, gửi đi trong thời khắc cuối cùng của lằn ranh sinh - tử. Đó là một bức điện từ nhà giàn DKl và một từ Đồn Biên phòng Pha Long (Lào Cai), ngay trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Tổ quốc.
“Dù còn 1 người cũng chiến đấu”
Đồn Biên phòng Pha Long đóng ở tận cùng mảnh đất Mường Khương, Lào Cai với cổng đồn uy nghiêm vững chãi, chốt giữ con đường dẫn ra cửa khẩu cùng tên. Bên trái cánh cổng, mới cứng tấm bia trấn ải mới được dựng hồi tháng 5-2013, chữ tô đỏ chót như máu: “Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non. Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định. Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng. Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an. Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ” (Tạm dịch nghĩa: Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời. Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy Tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây).
Bên phải là đài tưởng niệm, ghi tên 37 người lính biên phòng hy sinh tại Pha Long, đại đa số ngã xuống thời điểm tháng 2-1979, trong khi đánh trả quân Trung Quốc.
Trung tá Phan Đức Mạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pha Long kể: sáng sớm 17-2-1979, phía Trung Quốc dùng 2 trung đoàn bộ binh bất ngờ tấn công sang Pha Long, nhằm triển khai ý đồ chiến thuật cắt rời mảnh đất hình tam giác này ra khỏi thế trận liên hoàn toàn tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Ngay từ 5 giờ sáng, Đồn Pha Long rơi vào thế cô lập, bị bao vây nhưng vẫn chiến đấu phòng ngự suốt 4 ngày đêm (từ 17 đến 20-2), chống trả số lính thiện chiến, có sự yểm trợ của pháo binh và đông gấp nhiều lần bên ta.
Đến bây giờ, những người già ở Mường
Khương vẫn thường nhắc đến những địa danh đẫm máu trong trận chiến khốc liệt 4 ngày đêm ấy. Đó là trạm Biên phòng Lồ cố Chin, nằm cạnh mốc 21 cách đồn 5 km; pháo đài Lê Đình Chinh, cách đồn khoảng 200m; chốt cửa khẩu và đặc biệt là đồn bộ...
Tính ra, trong 4 ngày đêm, lính Trung Quốc vây kín quanh đồn, tổ chức 13 lần xung phong vượt cổng - vượt thành để chiếm đồn thì 10 lần bị đánh trả quyết liệt phải tháo lui, yêu cầu pháo tầm xa và hỏa lực đi cùng bắn áp chế mục tiêu.
Thượng tá Trần Quốc Khải, nguyên Trưởng Đồn Biên phòng Pha Long, hồi tưởng: “Quân đội đối phương được huấn luyện rất kỹ về đánh bộc phá, chúng lại giàu bộc phá để đánh công kiên, nhưng suốt 4 ngày đêm tấn công, chúng không đặt được 1 quả bộc phá nào vào chân lô cốt chỉ vì không tiếp cận được mục tiêu!”.
Đến giờ ông vẫn ngạc nhiên về tác phong chiến đấu lạ lùng của binh sĩ địch: chỉ sợ B40 và lựu đạn; thấy súng CKC bắn trả chỉ cười và tiến dồn đống trước hỏa lực đại liên, trung liên; đánh vào lô cốt ngầm thì không tìm góc chết; khi bị thương thì kêu la inh ỏi, túm tụm với nhau...
Chính những điểm yếu này của địch đã tạo cơ hội cho chiến sĩ ta đánh tiêu diệt, gây thương vong rất nặng cho chúng (khoảng 800 tên).
Thời điểm ấy, Đồn trưởng Pha Long đi công tác xa, việc chỉ huy do Thượng úy Trần Ngọc, Chính trị viên kiêm Bí thư Chi bộ đồn đảm trách. Mặc dù trước đó đã được tăng cường 3 đại đội cơ động của tỉnh, nhưng do bị vây đánh suốt mấy ngày liền, lương thực - đạn dược cạn dần, thương vong ngày càng cao... những người lính Pha Long đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Đến giờ, các nhân viên thông tin - cơ yếu trong toàn quân lúc đó vẫn không quên nội dung 2 bức điện phát lên từ Pha Long: bức điện gửi trưa ngày 18-2 ghi: “Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều. Nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu. Dù còn 1 người cũng chiến đấu” và bức điện lúc 11 giờ ngày 19-2: “Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí!”.