Na Phật Na Kinh Đô Đầu Tiên Và Cuối Cùng Của Vương Quốc Phù Nam
Vương quốc Phù Nam được hình thành từ các tiểu quốc (tiểu quốc trong mandala), mà tiểu quốc đầu tiên là Na Phật Na (Nafuna/Naravaranagara) trung tâm là vùng đất Óc Eo ngày nay. Từ Na Phật Na (Óc Eo) phát triển rộng ra hình thành tiểu quốc Na Phật Na, tiểu quốc “Chinh phục từ đầm lầy”, tiểu quốc Cát Tiên và các tiểu quốc khác nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Lúc cực thịnh, vua Phạm Mạn (220-225) tự xưng “Phù Nam Đại vương”, chiếm được hơn 10 nước, “mở rộng đất đai đến năm sáu nghìn dặm” khắp Đông Nam Á. Tiểu quốc Na Phật Na từng là vùng trung tâm trong mandala, là vùng địa lý ở sông Hậu, bao gồm khu vực vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng U Minh, vùng lòng chảo Ô Môn Phụng Hiệp và vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu,…. Trung tâm vùng Tứ giác Long Xuyên – khu di tích Óc Eo cho đến nay vẫn được nhìn nhận là địa điểm khảo cổ có quy mô rộng lớn nhất, tập trung nhiều di tích nhất, di tích đa dạng nhất và có tổ hợp di vật lớn nhất về số lượng, đa dạng nhất về chủng loại, cao cấp nhất về trình độ kỹ thuật, về thẩm mỹ nghệ thuật so với những vùng khác trong vương quốc Phù Nam.
Như vậy từ nửa cuối thế kỷ I đến đầu thế kỷ III, thời gian khoảng 200 năm, Na Phật Na (Óc Eo) là kinh đô đầu tiên của vương quốc Phù Nam và là kinh đô lớn nhất của vương quốc Phù Nam (450 ha). Từ năm 550 đến giữa thế kỷ VII, thời gian khoảng 100 năm, Na Phật Na lại một lần nữa trở thành nơi ở, cai trị của các vua Phù Nam và là kinh đô cuối cùng của vương quốc Phù Nam. Tổng cộng có khoảng 300 năm, Na Phật Na (Óc Eo) là kinh đô của vương quốc Phù Nam.