Câu chuyện của hai đứa trẻ tên Mem và Kya qua ghi chép của thư ký cho chúng là người ông. Tại sao Mem lại gọi là ông nội, mà Kya lại gọi ông là ông ngoại? Tại sao Mem mới mấy tháng sinh ra đã được làm anh của Kya đã 1 tuổi? Tại sao quê nội của người này lại là quê ngoại của người kia? Tại sao tên của Mem và mẹ Ngân lại bị gọi thành tên món ăn: món Nem và con Ngan? Tại sao trẻ con mọc từng cái răng, mà người lớn thì có nhiều răng thế? Tại sao con lại không được mời dự đám cưới của bố mẹ? Tại sao khi em Kya vui thì anh Mem lại hạnh phúc? Tại sao có Rằm Trung Thu, có bàn thờ? Và ai thì được gọi là cụ là kỵ...?
Câu chuyện tưởng như riêng tư trong một gia đình, mà gợi nhiều điều thú vị, như những bài học nhỏ cho con trẻ về riềng mối gia đình, quan hệ xóm làng, về văn hóa dòng họ của một làng quê ven sông, cả về tình yêu thương chăm chút cho hạnh phúc. Sự trong trẻo ngây thơ trong nỗi mong mỏi khao khát của người lớn, sao cho con cháu mình trở thành NGƯỜI TỬ TẾ, nên Chuyện của anh em nhà Mem và Kya đã thành câu chuyện chung mà cha mẹ ông bà có thể đọc cho con cho cháu mình, bọn trẻ sẽ thích thú bất ngờ với những dí dỏm đặc biệt của mỗi câu chuyện nhỏ
Minh họa màu rực rỡ đẹp của một họa sĩ mà tranh truyện của anh trẻ con nào cũng thích - họa sĩ Kim Duẩn.
Thông tin tác giả
Sinh năm 1957, là một nhà thơ hiện đại của Việt Nam, ngoài lĩnh vực chính thơ ca tạo nên tên tuổi, ông còn là một nhà văn với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký và tham gia vào lĩnh vực báo chí. Ông hiện nay là Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi.
Đến nay, Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng được hãng phim truyền hình Việt Nam dựng thành bộ phim Chuyện làng Nhô phát sóng phổ biến trên VTV trong những năm 1998.
Ông được coi là người cùng với nhà văn, trung tướng công an Hữu Ước sáng lập nên hai tờ báo là tờ An Ninh Thế giới cuối tháng và Cảnh Sát Toàn Cầu.. Bên cạnh đó, ông còn là chủ biên của nhiều tờ báo khác có tiếng tăm trong làng truyền thông đại chúng ở Việt Nam.
Từ những năm 1990, thơ Việt Nam đương đại bắt đầu có sự chuyển đổi lớn về mặt thi pháp và có thể nói, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đầu tiên, bằng những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình, đã xác lập một giọng điệu mới trong thơ Việt.
Nguyễn Quang Thiều không chỉ là nhà thơ tiên phong với trào lưu hiện đại mà còn là cây viết văn xuôi giàu cảm xúc. Trong anh không chỉ có con người bay bổng, ưu tư với những phiền muộn thi ca, mà còn có một nhà báo linh hoạt và nhạy bén.