Đừng chạy theo số đông. Với tôi, đó không hẳn là một lời kêu gọi, một lời khuyên. Bởi lẽ, chẳng ai có thể khuyên ai nên sống thế nào. Mỗi người là một hoàn cảnh khác biệt. Như ai đó đã từng nói, con người không phải được sinh ra, mà là do tôi luyện để trở thành!
Đừng chạy theo số đông. Đó như một lời nhắc nhở thì đúng hơn. Rằng nếu không thay đổi nhận thức, tôi hay bạn sẽ dễ dàng “chạy” theo số đông và sống một cuộc đời “phiền muộn” bởi nhiều vấn đề chung như bao người khác.
Còn số ít, đó là những người có khả năng tận hưởng điều vượt trội mà ít ai có được.
Với tôi, sống một cuộc đời của số ít mới là đáng sống.
Quyển sách này có thể trở thành một người bạn đồng hành, thỉnh thoảng quát lớn vào tai để nhắc nhở bạn, vỗ vai bạn một cái, hoặc thúc vào hông bạn một cú thật mạnh để bạn đi tiếp.
Khi đọc quyển sách này, tôi thỉnh thoảng phải tự hỏi: Mình là số ít hay số đông? Ở một số khía cạnh, nếu đối chiếu theo sách, tôi chắc là thuộc về số ít (có thể do may mắn). Nhưng ở một vài mặt khác, tôi chả khác gì số đông. Đừng chạy theo số đông. Nó có thể là một sự lựa chọn chứ không hẳn đã bẩm sinh. Tôi nghĩ tất cả chúng ta sinh ra đều bắt đầu từ con người của số đông. Trong quá trình trưởng thành, tùy vào tố chất bẩm sinh cộng môi trường xung quanh và nỗ lực bản thân sẽ biến chúng ta trở thành một con người như thế nào, thuộc số đông hay số ít.
Tác giả Kiên Trần có lấy một ví dụ trong sách về người cô của mình. Bà là một điển hình của số đông và Kiên Trần cam đoan chắc chắn bà sẽ không bao giờ đọc sách này. Đúng vậy, một người thuộc số đông như thế thì chắc chẳng bao giờ có thể hiểu và nhận ra được giá trị của lời nhắc nhở “Đừng chạy theo số đông”. Vì nếu họ hiểu được thì cuộc đời của họ đã khác. Tư duy của họ đã cố định rồi. Không thể thay đổi.
Vậy quyển sách này có ích cho ai?
Không phải là phần đông của số đông như người cô của tác giả Kiên Trần, mà là phần ít của số đông, những người muốn thay đổi tư duy và cách sống để cuộc đời trở nên thú vị, và đáng sống hơn.
Đó là một bộ phận của số đông đang trên con đường tự chuyển hóa và có khả năng trở thành số ít. Tất nhiên, bất cứ ai cũng có thể đọc quyển sách này để hiểu hơn về chính mình. Biết mình có thể có khả năng trở thành số ít hay không.
Chắc chắn bạn sẽ thấy mình ở đâu đó trong những quan sát và phân tích chặt chẽ của tác giả.
Có một sự thật, không phải ai cũng có thể trở thành số ít, dù cho ta cố gắng hiểu được bản chất của nó. Từ hiểu đến làm là một chặng đường dài.
Chủ trang trại (số ít) sẽ luôn cần đàn kiến (số đông) của mình. Những điều được đề cập trong sách không hẳn quá mới mẻ và to tát. Nó là tất cả những thứ gần gũi với cuộc sống hằng ngày nhưng ít khi được chúng ta quan sát, thấu hiểu sâu sắc và hệ thống hóa thành những quy luật.
Sách selfhelp – phát triển bản thân, phần đông dịch từ sách nước ngoài, thường tạo cảm giác giáo điều và thường bị trùng lặp ý tưởng, thiếu gần gũi với hoàn cảnh của người Việt. Còn Đừng chạy theo số đông của Kiên Trần là một selfhelp thuộc hàng số ít. Nó mang hơi hướng một quyển sách triết học cuộc đời. Một vài quan sát tưởng chừng rất đời thường cũng có thể trở thành triết lý sống của bất kỳ ai.
Đây là một quyển sách buộc ta phải đọc chậm, như cái cách mà ta nên quan sát cuộc sống này. Chậm để thấm, để hiểu thật sâu và tự mình tạo động lực chuyển biến. Nhiều nội dung trong sách khiến tôi không khỏi giật mình, phản tư và suy ngẫm.
Sách không chỉ phù hợp với người trẻ tuổi đang trong hành trình lập nghiệp và phát triển bản thân, mà phù hợp với bất cứ ai đang thuộc số đông và khao khát vượt ra khỏi vùng an toàn của mình. Không bao giờ là quá muộn để thay đổi. “Chỉ cần đi đúng hướng, nhanh hay chậm không quan trọng, bạn sẽ đến đích”.
Thuộc số đông hay số ít, may mắn thay, nó vẫn là một sự lựa chọn trong khả năng của bất kỳ ai. Sự lựa chọn ấy tùy vào nỗ lực của chính bản thân chúng ta.